“TÔN TRỌNG SỰ KHÁC BIỆT & THẾ MẠNH CỦA TỪNG CÁ NHÂN – Chìa khóa vàng để nuôi dưỡng tài năng và đảm bảo con đường thành công của trẻ”
“Những ngôi trường ở Mỹ không hoàn hảo. Chúng tôi chỉ tạo một môi trường lý tưởng nhất để mỗi đứa trẻ tự do phát huy thế mạnh của mình. Người Mỹ yêu những phát minh, yêu sự sáng tạo vì họ tin rằng chính những phát minh ấy sẽ giúp họ có thu nhập trong cuộc sống của mình”.
Thầy Hugh Henderson, khách mời đặc biệt của WHS đã mở đầu buổi chia sẻ với các vị phụ huynh trong chương trình Café sáng số 12, khi được hỏi “Tại sao ở Mỹ – một quốc gia phát triển cả về kinh tế và giáo dục, chúng ta không thấy nhắc quá nhiều đến thành tích học tập, chúng ta thấy nhiều thông tin về sáng chế, về thể thao, về nghệ thuật của học sinh?”.
Khách mời của Café sáng số 12 – chuỗi hội thảo tại trường Tây Hà Nội được đông đảo quý phụ huynh trong và ngoài trường hưởng ứng – là thầy Hugh Henderson, một người thầy tâm huyết với học sinh, một người cha luôn tận tâm trong vai trò “định hướng cho con” và ông Vũ Mạnh Tân – một người cha tận tụy, kiên nhẫn đồng hành cùng con trên con đường tìm ra đam mê, nuôi dưỡng tài năng và hướng đến thành công.
Với tư cách là một giáo viên có nhiều năm kinh nghiệm giảng dạy tại các trường phổ thông tại Mỹ, đã tiếp xúc và đào tạo giáo viên ở nhiều trường học tại Việt Nam, thầy Hugh thẳng thắn chia sẻ một số quan điểm thực tế của người Mỹ, về việc khuyến khích con tự học và vai trò của người thầy, người cha trên con đường học tập của con
Hãy để trường học là môi trường phù hợp nhất để nuôi dưỡng những điểm mạnh và đam mê của trẻ. Mỗi đứa trẻ đều được sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh khác nhau, cũng như cách chúng tiếp cận thế giới và có những tính cách hoàn toàn khác nhau. Ở Mỹ, từ lớp 6, ngoài những môn bắt buộc như toán, khoa học, xã hội học & ngôn ngữ, trẻ được tự do lựa chọn những môn học chúng yêu thích. Đam mê sẽ là động lực để trẻ tìm tòi, đào sâu suy nghĩ và nỗ lực để phát triển.
Giáo viên hãy đóng vai trò là cha mẹ của trẻ trong thời gian ở trường. Mỗi đứa trẻ luôn cần một người dẫn đường trên con đường phát triển của mình. Học tập ở trường chiếm khá nhiều thời gian, người giáo viên hãy tận tâm, tận tụy với học sinh như với chính con của mình, đưa ra những lời khuyên, đồng hành và khích lệ.
Cha mẹ và thầy cô hãy tìm những lĩnh vực mà con cái, học sinh có thể dạy mình. Chúng ta là người lớn, là giáo viên trên lớp học nhưng đừng luôn giữ vai trò “dạy”. Những đứa trẻ khi yêu thích một cái gì đó, sẽ tìm hiểu và rất nhanh tiếp thu được nhiều kiến thức liên quan. Hãy để trẻ được “thể hiện” hiểu biết của mình, giúp trẻ thêm tự tin và hào hứng theo đuổi đam mê ấy.
Ở một vai trò khác – vai trò của một người cha đã luôn đồng hành cùng con, từ những buổi sáng đưa con đi học, những ngày đưa con đi tập bóng chày, luôn ghi lại chặng đường lớn lên của con qua những quyển sketch book, anh Tân chia sẻ một quan điểm đã đi theo anh suốt chặng đường chăm sóc và nuôi dưỡng con cái “Hãy đồng hành chứ đừng kiểm soát”. Người cha nên đóng vai trò là người đi cùng con, tìm ra, định hướng và ủng hộ sở thích, đam mê của con. Hãy khích lệ, hãy là người bảo vệ những sở thích ấy dù nó không giống với sở thích của bản thân.
Buổi chia sẻ kết thúc với sự đồng tình của toàn bộ khán phòng “Hãy luôn tôn trọng sự khác biệt của trẻ. Cha mẹ, thầy cô thay vì ép buộc trẻ học thật giỏi, uốn nắn trẻ theo một khuôn mẫu nào đó, hãy luôn là chỗ dựa vững chắc để trẻ chủ động, tự tin theo đuổi đam mê của mình”.