PGS. TS. Nguyễn Việt Hùng, giảng viên cao cấp trường ĐHSP Hà Nội, thành viên sáng lập Trường Liên cấp Tây Hà Nội – WHS, luôn quan tâm đến công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học và gắn các thành tựu nghiên cứu khoa học giáo dục với trường phổ thông. Với vai trò Phó Chủ tịch Hội đồng Giáo dục của trường WHS, PGS. TS. Nguyễn Việt Hùng phụ trách xây dựng và phát triển chương trình học cho hệ Tiểu học cũng như các bộ môn xã hội, môn chuyên biệt của nhà trường.
Cùng đọc bài viết được đăng trên tạp chí Xây dựng Đảng số Xuân Đinh Dậu để hiểu thêm những băn khoăn, ấp ủ của người thầy đầy tâm huyết với nghề giáo này.
Gặp anh trong một góc nhỏ của quán cà phê sách đậm chất sư phạm, giọng nói, ánh mắt, phong thái của một nhà giáo, của người làm công tác nghiên cứu khoa học khiến cho những bộn bề ngoài cánh cổng trường Đại học Sư phạm Hà Nội dường như lùi rất xa. Cuộc trò chuyện miên man về nghệ thuật diễn xướng, về dân ca, về sử thi… như đưa tôi trở về với Tây Nguyên đại ngàn, về với đồng bằng sông Hồng dịu ngọt phù sa, về với miền Trung hun hút nắng gió… PGS, TS. Nguyễn Việt Hùng, nhà nghiên cứu văn học dân gian (VHDG), giảng viên khoa Ngữ Văn trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Bí thư Chi bộ Văn học Việt Nam đã có cuộc trò chuyện về những ấp ủ sao cho VHDG ngày càng có giá trị hơn, làm phong phú hơn đời sống tinh thần con người Việt Nam.
Là một trong những người có nhiều đóng góp vào việc nghiên cứu, giảng dạy VHDG trong nhà trường, được mời tham gia nghiên cứu và giảng dạy tại Đại học Ngoại ngữ Pusan (Hàn Quốc). PGS có thể cho bạn đọc Tạp chí Xây dựng Đảng được biết nhân duyên nào đưa anh đến với nghiệp văn và nghề giáo?
Tôi sinh ra trong một gia đình nhà giáo, yêu văn chương ở xã Tiên Tiến, huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên. Mảnh đất quê tôi cũng là nơi thấm đẫm nguồn mạch văn hóa dân gian. Môi trường gia đình, những giá trị văn hóa dân gian đã ảnh hưởng và thấm sâu vào tâm hồn tôi từ thuở bé, giúp tôi cảm nhận sâu sắc những giá trị nhân văn qua từng lời chỉ dạy. Lên phổ thông, mái trường năng khiếu Nguyễn Trãi – Hải Dương đã trở thành cái nôi nuôi dưỡng niềm đam mê văn học của tôi. Năm 1997, tốt nghiệp THPT, tôi quyết định chọn học khoa Ngữ Văn, trường Đại học Sư phạm Hà Nội để kế nghiệp cha và phát huy truyền thống gia đình, quê hương. Có lẽ đấy chính là cái “nghiệp”.
Theo PGS, VHDG có giá trị như thế nào đối với đời sống tinh thần hôm nay của mỗi người?
Bộ môn VHDG có vai trò hết sức quan trọng trong việc lưu giữ những giá trị truyền thống văn hóa, tư liệu về đời sống, phong tục cổ truyền, nếp sống, nếp nhà của những người bình dân. Kể từ khi chưa có chữ viết thì bản thân VHDG đã kết tinh nghệ thuật ngôn từ truyền miệng của nhiều thế hệ, biểu hiện đời sống tinh thần, cũng như tư duy sáng tạo, tư duy nghệ thuật của cả cộng đồng. Vì vậy, VHDG chính là kho tri thức quý báu của cộng đồng, của dân tộc. Trong xã hội đương đại, trước nguy cơ bị thay thế bởi những loại hình văn hóa, giải trí mới, bị giới trẻ thờ ơ, thì bằng chính những giá trị cốt lõi về tư tưởng, đạo đức, tính ứng dụng thực tiễn và tính diễn xướng gắn với sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng từ thành thị đến nông thôn, VHDG sẽ xác lập vị trí quan trọng, xứng đáng trong đời sống cộng đồng. VHDG đương đại sẽ kết nối và đánh thức những giá trị văn hóa trong tiềm thức của con người Việt Nam.
Anh bước vào con đường nghiên cứu khoa học như thế nào?
Trong năm đầu tại Đại học Sư phạm Hà Nội, tôi rất may mắn được học các thầy như PGS. Đỗ Bình Trị, GS, TS. Lê Chí Quế, PGS, TS. Trần Đức Ngôn… Các thầy đã gợi mở cho tôi niềm đam mê nghiên cứu khoa học thuộc Ngành VHDG. Năm 1998, tôi thực hiện đề tài “Bước đầu tìm hiểu mối quan hệ giữa VHDG và tín ngưỡng dân gian qua hiện tượng Tứ bất tử”, đề tài được tham dự Hội nghị khoa học cấp Đại học Quốc gia. Hằng năm, tôi đều có các đề tài của sinh viên nghiên cứu khoa học và trình bày tại hội nghị khoa học cấp khoa, cấp trường. Tốt nghiệp năm 2001 (loại giỏi – tác giả chú) với đề tài tốt nghiệp chuyên ngành VHDG theo lí thuyết hình thái học truyện cổ tích “Bước đầu tìm hiểu kiểu nhân vật người tặng thưởng trong truyện cổ tích thần kỳ người Việt dưới góc độ lịch sử – văn hóa”, tôi được chuyển tiếp học cao học, chuyên ngành VHDG. Được giữ lại làm giảng viên tại Bộ môn Văn học Việt Nam 1, tôi bắt đầu tham gia nghiên cứu và giảng dạy từng học phần của chuyên ngành. Với định hướng đi sâu vào lĩnh vực VHDG, tôi đã chọn đề tài luận án tiến sĩ “Công thức truyền miệng trong sử thi – otndrong”. Hoạt động nghiên cứu khoa học cũng giống như là một “khổ hạnh” vì phải nghiền ngẫm, trải nghiệm, phải đầu tư nhiều thời gian, trí tuệ và nhất là phải có đam mê. Đối với công tác giảng dạy, người giảng viên không những phải trang bị cho mình kiến thức bao quát sâu mà còn phải vận dụng linh hoạt nhiều phương pháp hiện đại để khơi dậy niềm đam mê và khuyến khích tư duy sáng tạo của học trò. Trên bục giảng mình cảm nhận rất rõ tình cảm mà sinh viên trân trọng dành cho mình, do đó mình thấy trách nhiệm của người thầy càng lớn. Trong khát vọng của mỗi trí thức, ai cũng muốn làm việc và cống hiến nhiều hơn nữa thì mới cải thiện được chất lượng giáo dục. Tôi nghĩ mình có sức khỏe, đam mê thì mình cứ làm việc, cứ cống hiến. Làm nghiên cứu khoa học và giảng dạy là hai công việc hỗ trợ nhau, muốn giảng dạy tốt thì phải nghiên cứu và kết quả nghiên cứu cần phải được truyền tải đến học trò. Vì thế mà tôi không ngừng thực hiện việc nghiên cứu khoa học.
Bằng việc thực hiện đề tài luận án tiến sĩ về sử thi Mơ Nông, anh là người đầu tiên ở Việt Nam ứng dụng lí thuyết về Công thức truyền miệng (Oral – formulaic Theory) của các học giả Mĩ nghiên cứu trường hợp sử thi Việt Nam. Những hướng tiếp cận lí thuyết hiện đại của anh và bộ môn VHDG đã được chuyển đến sinh viên như thế nào?
Trên cơ sở tiếp cận đối tượng folklore thực hành và ứng dụng, Khoa Ngữ văn thường xuyên tổ chức cho sinh viên những chuyến đi điền dã về các địa điểm còn bảo lưu được các hình thức VHDG để tìm hiểu, sưu tầm. Trong xã hội hiện đại không còn nhiều môi trường để văn hóa dân gian phát sinh, phát triển nên việc tái hiện những loại hình VHDG như những làn điệu dân ca, hát ru, điệu hò… rất là khó. Hiện nay, phương pháp giảng dạy nhằm đưa các tác phẩm VHDG vào đời sống cộng đồng để đánh thức tình yêu VHDG là rất cần thiết. Tôi đang ấp ủ nhiều dự định để cho VHDG có đất sống. Ví dụ, để cho nhiều bạn bè thế giới biết đến VHDG Việt Nam, chúng tôi dự định tổ chức những đêm trình diễn VHDG qua nghệ thuật diễn xướng, qua các trò chơi dân gian ở chợ đêm phố cổ Hà Nội. Tôi cùng một số đồng nghiệp đang chuẩn bị những công đoạn cuối cùng để cho ra đời một ngôi trường cấp 1+2. Tại đây những gì nghiên cứu được về văn học, văn hóa truyền thống của người Việt chúng tôi sẽ đem đến cho học trò: đưa trò chơi dân gian trong các giờ thể chất; đưa câu đố-đồng dao trong các giờ học phát triển ngôn ngữ và tư duy; đưa chèo, tuồng, sử thi trong những giờ học về sân khấu… Những gì chưa làm được do thiếu thời gian, thiếu sự linh hoạt ở chương trình giáo dục của nhà trường truyền thống chúng tôi sẽ đưa vào ngôi trường thực nghiệm này.
PGS là tác giả và đồng tác giả của nhiều công trình nghiên cứu khoa học đã được nghiệm thu có tính ứng dựng thực tiễn cao như: Dự án Điều tra, sưu tầm, phiên dịch, bảo quản, xuất bản Kho tàng sử thi Tây Nguyên; Tìm hiểu công thức truyền thống trong sử thi Mơ Nông; Nghệ nhân diễn xướng và vấn đề bảo tồn tác phẩm sử thi trong đời sống cộng đồng (trường hợp sử thi Mơ Nông); Đánh giá chương trình và kiến thức phần VHDG trong sách giáo khoa trung học và trong giáo trình đại học; Xây dựng chương trình nội dung dạy học tiếng Việt cho người nước ngoài theo định hướng văn hóa giao tiếp người Việt. PGS cũng có hàng chục bài báo khoa học đã công bố trên các tạp chí, hội thảo khoa học trong nước và quốc tế. Theo PGS, cái khó mà các nhà khoa học nước ta thường gặp trong nghiên cứu khoa học là gì? Những quan tâm của Đảng và Nhà nước tạo điều kiện cho các nhà khoa học phát triển đã thỏa đáng?
Hầu hết các nhà khoa học thường tự nghiên cứu, đam mê cống hiến cho khoa học, không đòi hỏi gì cho riêng mình. Nhà nghiên cứu ở Việt Nam nói chung và nghiên cứu khoa học xã hội nói riêng gặp nhiều khó khăn. Theo tôi trước hết, khó khăn lớn nhất do năng lực, do tri thức nền của chúng ta chưa bằng thế giới, điều này khiến mỗi nhà khoa học phải tự trăn trở, tìm cách vượt lên, khắc phục rào cản về ngoại ngữ, về tri thức để có các công bố khoa học quốc tế. Khó khăn thứ hai là chúng ta chưa có các nhà khoa học chuyên biệt, chuyên môn, mà thường nhà nghiên cứu phải kiêm nhiệm, làm nhiều thứ: dùng giảng dạy nuôi khoa học, dùng khoa học để thực hiện những mục tiêu khác. Thứ ba, các công trình khoa học chưa kết nối được với đời sống, với xã hội với sự phát triển kinh tế của đất nước. Thường là chúng ta hay nghĩ rằng khó khăn do cơ chế, do kinh phí, do thủ tục hành chính… tuy nhiên tôi nhận thấy rằng muốn khoa học tồn tại, tồn tại một cách vinh quang thì các thành quả của khoa học phải thúc đẩy sự phát triển của kinh tế – xã hội. Do đó, đề tài khoa học nên tập trung vào các công trình trọng điểm, giải quyết những vấn đề của đời sống hôm nay, nhà khoa học cần phải xác lập vị trí của mình bằng việc nâng cao nhận thức, trình độ văn hóa, tri thức của xã hội.
Nhà nước đã có những quan tâm và cũng có những chính sách đầu tư khuyến khích cho sự phát triển của khoa học. Có thể nói hiện nay nhà nước vẫn bao cấp cho nghiên cứu khoa học, hầu hết các đề tài đều sử dụng ngân sách nhà nước. Nếu cần có đề nghị thì tôi muốn Chính phủ, Bộ khoa học công nghệ làm cầu nối giữa các nhà khoa học với doanh nghiệp, với các tỉnh thành phố, để đưa khoa học thành ứng dụng. Đồng thời, mỗi nhà khoa học phải tự vươn lên, không thể mãi trông chờ vào sự hỗ trợ của chế độ, chính sách.
Xin cảm ơn PGS, TS. Nguyễn Việt Hùng về cuộc trò chuyện thú vị này. Xin chúc anh và gia đình sức khỏe, nhiều niềm vui, có thêm nhiều cống hiến cho khoa học.
Lan Phương (thực hiện)