Đổi mới nội dung chương trình dạy học và kiểm tra đánh giá ở trường phổ thông

Posted on Posted in Tin ngành giáo dục, News & Events

Bộ Giáo dục và Đào tạo dự kiến thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới trên phạm vi toàn quốc theo cả ba cấp học, bắt đầu ở lớp 1, lớp 6 và lớp 10 từ năm học 2018-2019; đến năm học 2020-2021 (đối với cấp Trung học phổ thông), năm học 2021-2022 (đối với cấp Trung học cơ sở) và năm học 2022-2023 (đối với cấp Tiểu học). Với phương châm “Đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông phải khắc phục những hạn chế của chương trình, sách giáo khoa hiện hành; giáo dục học sinh phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi học sinh; đảm bảo hài hòa giữa “dạy chữ”, “dạy người” và định hướng nghề nghiệp” (Nguyên Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển), phương pháp và hình thức tổ chức giáo dục cũng sẽ được đổi mới mạnh mẽ theo hướng phát triển phẩm chất và năng lực người học; tập trung dạy cách học và tự học, phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo.

Về kiểm tra đánh giá học sinh, ngày 28/08/2014, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành thông tư 30/2014/TT-BGDĐT (Thông tư 30) về quy định đánh giá học sinh tiểu học. Theo đó, cách đánh giá mới nhằm đánh giá toàn diện: chuẩn kiến thức, kỹ năng, năng lực, phẩm chất cần thiết nhất của học sinh. Việc đánh giá gồm hai phần: Đánh giá thường xuyên và Đánh giá định kỳ. Đánh giá thường xuyên không dùng điểm số mà thay vào đó là lời nhận xét, khuyến khích trong quá trình học tập của học sinh.

Trong đánh giá thường xuyện, cần lưu ý đến hoạt động học tập:

– Đánh giá quá trình học tập, sự tiến bộ và kết quả học tập của học sinh theo chuẩn kiến thức, kĩ năng từng môn học và hoạt động giáo dục khác theo chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học.

 – Đánh giá năng lực: đánh giá sự hình thành và phát triển một số năng lực của học sinh như: Tự phục vụ, tự quản; Giao tiếp, hợp tác; Tự học và giải quyết vấn đề.

– Phẩm chất: đánh giá sự hình thành và phát triển phẩm chất của học sinh như: Chăm học, chăm làm, tích cực tham gia hoạt động giáo dục; Tự tin, tự trọng, tự chịu trách nhiệm; Trung thực, kỉ luật, đoàn kết; Yêu gia đình, bạn bè và những người khác; Yêu trường, lớp, quê hương, đất nước.

Phương pháp đánh giá là:

– Giáo viên đánh giá bằng cách quan sát, theo dõi, trao đổi, kiểm tra, nhận xét quá trình học tập, rèn luyện của học sinh; tư vấn, hướng dẫn, động viên học sinh; nhận xét định tính hoặc định lượng về kết quả học tập, rèn luyện, sự hình thành và phát triển một số năng lực, phẩm chất của học sinh tiểu học.

– Ngoài ra, GVCN còn thu thập kết quả tự đánh giá của học sinh, các đánh giá lẫn nhau giữa nhóm học sinh, đánh giá từ cha mẹ học sinh.

Vấn đề giáo viên “kêu ca” nhiều nhất khi thực hiện Thông tư 30 là việc đánh giá học sinh. Có 2 mức để đánh giá học sinh: hoàn thành và chưa hoàn thành. Cách đánh giá như thế nặng về định tính, không khơi dậy đươc tinh thần phấn đấu và nỗ lực của học sinh.

Thông tư 22 sẽ khắc phục bằng 3 mức đánh giá: Hoàn thành tốt, Hoàn thành và Chưa hoàn thành. Xét về mặt tâm lý tiếp nhận, 3 mức này nhìn nhận rõ ràng hơn kết quả phấn đấu của học sinh, phụ huynh sẽ nắm bắt rõ hơn mức độ đạt được của con mình. Việc đánh giá theo 3 mức sẽ được giáo viên thực hiện vào giữa kì, cuối mỗi học kì, cung cấp những thông tin phản hồi rất hữu ích liên quan đến quá trình học tập của học sinh, những lĩnh vực nào có sự tiến bộ, lĩnh vực học tập nào còn khó khăn. Đồng thời, giúp học sinh nhận ra mình thiếu hụt những gì so với chuẩn kiến thức, kỹ năng hay yêu cầu, mục tiêu bài học để cả giáo viên và học sinh cùng điều chỉnh hoạt động dạy và học. Thông tư 22 cũng quy định thông qua quá trình đánh giá thường xuyên đến giữa và cuối mỗi học kì, lượng hóa mỗi năng lực, phẩm chất thành ba mức: Tốt, Đạt, Cần cố gắng (trước đây theo Thông tư 30 chỉ có 2 mức Đạt và Chưa đạt).

Thầy Vũ Quốc Chung tập huấn Thông tư 22 cho giáo viên Trường Tiểu học Song ngữ Brendon.

PGS. TS. Vũ Quốc Chung là một trong những chuyên gia hàng đầu về phương pháp dạy học Toán học. Trong công cuộc đổi mới giáo dục hiện nay, việc xây dựng chương trình, nội dung môn học, biên soạn SGK các bậc học đặt ra cấp thiết và đang được tiến hành. Những đề xuất về mô hình và thực nghiệm mô hình SGK mới cũng như sự thay đổi về kiểm tra đánh giá sẽ được ứng dụng và thể hiện ở chính Trường Liên cấp Tây Hà Nội ngay từ năm học 2017-2018.