Programs

Posted on Posted in Uncategorized

Trong bối cảnh đổi mới nền giáo dục, hướng tới hội nhập quốc tế, Bộ GD&ĐT đã công bố dự thảo chương trình giáo dục phổ thông, trong đó có việc cụ thể hóa mục tiêu giáo dục thành hệ thống phẩm chất và năng lực cần đạt với những biểu hiện cụ thể theo từng cấp học. Theo đó, chương trình giáo dục phổ thông phải hình thành và phát triển cho học sinh ba phẩm chất chủ yếu là sống yêu thương; sống tự chủ và sống trách nhiệm. Đồng thời, chương trình phải hình thành và phát triển cho học sinh tám năng lực chung chủ yếu là: Năng lực tự học; năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo; năng lực thẩm mỹ; năng lực thể chất; năng lực giao tiếp; năng lực hợp tác; năng lực tính toán và năng lực công nghệ thông tin và truyền thông.

Với các nhà quản lí giáo dục của trường Tây Hà Nội, những người trực tiếp tham gia quá trình tư vấn, xây dưng biên soạn chương trình giáo dục phổ thông, chúng tôi đã đón đầu và tiếp cận với việc đổi mới chương trình, nội dung môn học; thực hiện việc xây dựng phát triển chương trình riêng biệt của nhà trường; cấu trúc lại một số môn học; thiết kế và triển khai những nội dung môn học mới.

Dựa trên mục tiêu chung của chương trình phổ thông, Trường Tây Hà Nội hướng tới phát triển các phẩm chất của học sinh:

– Yêu quê hương, đất nước

– Đề cao nghĩa vụ công dân

– Trách nhiệm với bản thân, cộng đồng

– Tự chủ, tự tin, tự lập

– Trung thực, tự trọng, chí công vô tư

– Nhân ái khoan dung

Ngoài 8 năng lực chung như mục tiêu quốc gia, Trường Tây Hà Nội nhấn mạnh mục tiêu giáo dục thẩm mĩ, trở thành mục tiêu cốt lõi, cơ bản, xuyên suốt và kết nối các giá trị, các năng lực khác. Năng lực thẩm mĩ là khả năng tạo ra cảm xúc, tình cảm, thái độ, hứng thú với đối tượng, từ đó hình thành lí tưởng, quan niệm thẩm mĩ cho người học. Nhà trường đặc biệt coi trọng giáo dục nhân cách, tổ chức các hoạt động giáo dục cho học sinh nhận thức, hình thành các khái niệm, chuẩn mực đạo đức; tôn trọng cá tính, nhân cách người học; khơi dậy, duy trì và phát triển những cảm xúc tốt đẹp của học sinh.

Chương trình giáo dục của trường Phổ thông Liên cấp Tây Hà Nội có những điểm cốt lõi như sau:

(1). THỰC HIỆN ĐẦY ĐỦ CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC PHỔ THÔNG, theo chuẩn kiến thức kĩ năng các môn học, đảm bảo nội dung kiến thức Sách giáo khoa hiện hành.

(2) TĂNG CƯỜNG thời lượng và dung lượng kiến thức ở một số môn học: Ngữ văn, Toán, Tiếng Anh.

Giờ học tăng cường sẽ được thiết kế thành hệ thống các chủ đề, hướng tới các mục tiêu giáo dục. Ví dụ:

+ Ở bộ môn ngữ văn, với bài học Sự tích Hồ gươm (lớp 6), học sinh được học theo chuẩn kiến thức kĩ năng cần nắm được nguồn gốc tên gọi Hồ Gươm, ý nghĩa biểu trưng của thanh gươm Thuận Thiên, ca ngợi công trạng của Lê Lợi và khởi nghĩa Lam Sơn. (yêu cầu về kiến thức); học sinh rèn kĩ năng đọc văn bản truyền thuyết, kĩ năng kể chuyện kết hợp miêu tả (yêu cầu về kĩ năng); học sinh hình thành tình cảm trân trọng, biết ơn các vị anh hùng dân tộc, tự hào về truyền thống anh hùng đấu tranh (yêu cầu về thái độ). Với trường Tây Hà Nội, học sinh được tăng thêm thời lượng để có thể rèn kĩ năng quan sát (thực địa) kết hợp với miêu tả để TẠO LẬP VĂN BẢN; hoặc xây dựng dự án học tập liên môn, tìm hiểu những khía cạnh lịch sử, văn hóa, địa lí liên quan đến quần thể di tích Hồ Gươm; học sinh có thể trải nghiệm, thực hành, phát triển kĩ năng giao tiếp, năng lực truyền thông qua các hoạt động xây dựng video, thuyết trình về Hồ Gươm…

+ Ở bộ môn Toán học: Ngoài việc hình thành kiến thức toán học qua các khái niệm, công thức, thực hành tính toán, bộ môn toán học còn giúp trẻ hình thành thói quen tư duy lô-gic, sắp xếp, phân loại, hình thành khả năng phản biện, lập luận và phân tích vấn đề, đưa ra những phán đoán, dự đoán suy luận, từ đó hình thành tư duy sáng tạo. Để thực hiện những mục tiêu môn học đó, nhà trường tăng cường các giờ Toán chuyên đề, Toán ứng dụng, Toán học và đời sống… Đặc biệt, với các lớp hệ song ngữ, hàng tuần học sinh được học Toán bằng tiếng Anh với các giảng viên trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

+ Các bộ môn nghệ thuật và vận động: Tăng cường giờ hoạt động rèn luyện thể chất. Thừa hưởng một không gian rộng 1 ha với hệ thống sân bóng đá, sân bóng rổ, nhà thể chất, phòng nhạc, phòng gương,… Trường Tây Hà Nội thực hiện giáo dục thể chất nhằm phát triển thể trạng của học sinh, tăng cường khả năng vận động thông qua giờ học thể chất (3 giờ/tuần), học sinh được học các môn thể dục nghệ thuật, earobic, dân vũ, trò chơi dân gian. Giờ học thể chất giúp học sinh cân bằng với sự phát triển trí tuệ; phát triển năng lực hợp tác, hoạt động tập thể. Mục tiêu riêng biệt của nhà trường xây dựng chuẩn đầu ra với bậc Tiểu học: Tất cả các học sinh biết bơi và biết chơi 01 môn thể thao.

Bộ môn nghệ thuật phát triển năng lực thẩm mĩ của người học: Từ những lớp học đầu cấp, học sinh được tiếp cận với các bộ môn nghệ thuật, rèn năng lực cảm thụ âm nhạc, mĩ thuật. Những nội dung thực hành mĩ thuật, âm nhạc, sân khấu… nhằm phát huy tối đa tố chất của học sinh, tăng cường các nội dung biểu diễn, giao lưu tạo tri thức nền tảng cho người học, xây dựng mẫu hình nhân cách con người văn minh, thanh lịch. Mục tiêu riêng biệt của nhà trường xây dựng chuẩn đầu ra với bậc Tiểu học: Tất cả các học sinh có khả năng chơi một loại nhạc cụ.

(3) TÁI CẤU TRÚC MÔN HỌC

+ Bộ môn Giáo dục công dân và Kĩ năng sống: Bộ môn truyền thống giáo dục công dân được thiết kế lại, không đặt nặng về lí thuyết, không giáo huấn qua khái niệm mà chủ yếu tạo dựng tình huống, môi trường cho người học tự hình thành tình cảm, đạo đức, quy tắc ứng xử; biến quá trình giáo dục thành tự giáo dục, tự nhận thức. Nhà trường xây dựng các nội dung kĩ năng (giao tiếp, tự phục vụ bản thân, phòng chống tai nạn thương tích, thích ứng xã hội…) phát triển theo từng cấp lớp, với mức độ tăng dần về nhận thức và ứng dụng, phù hợp với sự phát triển tâm sinh lí học sinh.

+ Các bộ môn Lịch sử – Địa lí, Sinh học – Hóa học; Công nghệ thông tin – kĩ thuật: Hướng tới đáp ứng yêu cầu của Bộ giáo dục về tổ chức học tập, đánh giá theo hướng tích hợp liên môn ở các bậc học dưới, phân hóa ở các bậc học trên, trường Tây Hà Nội sẽ tổ thức thiết kế các giờ học liên môn, hình thành tri thức nền về khoa học xã hội, khoa học tự nhiên, khoa học giáo dục.

+ Bộ môn tiếng Anh và các ngoại ngữ khác: Với những nhà sáng lập từ Trường Tiểu học Song ngữ Brendon, nhiều năm kinh nghiệm hợp tác quốc tế với các trường tiểu học tại Birmingham, Anh Quốc, Hội đồng Anh, Language Link, Trường Tây Hà Nội có đội ngũ chuyên gia, cố vẫn Anh ngữ quốc tế, các giáo viên bản địa có thực tế giảng dạy tại Việt Nam, tận dụng yếu tố tích cực của chương trình ngoại ngữ chuẩn quốc gia, tiếp cận các thành tựu dạy ngoại ngữ của quốc tế. Những giờ học tiếng Anh với chuyên gia, tiếng Anh khoa học, tiếng Anh toán, giao lưu quốc tế, trại hè quốc tế là thế mạnh của nhà trường.

Song hành cùng chương trình giáo dục tri thức, chương trình ngoại khóa tại chỗ (giờ thực hành, phòng thí nghiệm, vườn cây ba miền…), tại địa bàn Hà Nội  (bảo tàng, di tích lịch sử văn hóa) và các vùng lân cận sẽ đem lại cho học sinh môi trường giáo dục toàn diện, phát huy thế mạnh, tố chất và phẩm chất riêng biệt của người học.

Chúng tôi hân hạnh chào đón quý phụ huynh và học sinh đến với trường Tây Hà Nội!