Posted on Posted in CHIA SẺ SÁCH HAY

CUỐN SÁCH CHA MẸ KHÔNG NÊN BỎ QUA “VÔ CÙNG TÀN NHẪN, VÔ CÙNG YÊU THƯƠNG”

Tác giả: Sara Imas 

Vô Cùng Tàn Nhẫn Vô Cùng Yêu Thương – A Mother’s Rigorous Love 
Phạm Thị Thanh Vân dịch – AlphaBook & Nhà Xuất Bản Dân Trí Thực hiện

Trong xã hội hiện đại, làm cha mẹ chưa khi nào là dễ dàng cả. Trong việc dạy con, có lẽ đúng – sai, tốt – xấu không quan trọng bằng sự phù hợp.

Cách giáo dục nào phù hợp với con, điều gì nên nói với con, nên dạy con điều gì? … Là những câu hỏi luôn khiến các bậc phụ huynh đau đầu. Cuốn sách “Vô cùng tàn nhẫn, vô cùng yêu thương” – phương pháp dạy con của người Do Thái và bài học về tình yêu thương được đặt đúng chỗ chắc chắn sẽ mang lại cho các bậc cha mẹ những điều có ích trong hành trình cùng con lớn lên.

“Tôi tin rằng làm cha mẹ chưa bao giờ là điều dễ dàng. Và tôi cũng tin chắc rằng tình yêu thương của cha mẹ dành cho con cái, dù ở đâu, khi nào, sắc tộc nào và trong hoàn cảnh nào thì cũng là vô bờ bến, không thể đong đếm.

Tình yêu thương đó, có chăng, chỉ khác nhau ở cách thể hiện, và sự khác nhau đó phản ánh rõ nét tính cách, lịch sử phát triển và văn hóa của mỗi dân tộc. Chính vì vậy, cuốn sách “Vô cùng tàn nhẫn, vô cùng yêu thương” mà bạn đang cầm trên tay thú vị ở chỗ nó ghi lại những trải nghiệm sống động của một bà mẹ đã nuôi dạy con trong hai nền văn hóa khác nhau: Do Thái và Trung Quốc.

Tôi vô cùng yêu thích cuốn sách này, bởi tôi có thể tìm thấy được rất nhiều điểm tương đồng, thấu hiểu được những khó khăn trong việc nuôi dạy con cái mà tác giả Sara Imas, và cả những người phụ nữ xung quanh tôi phải trải qua. Thật trùng hợp, tôi và tác giả cùng có ba người con: hai cậu con trai lớn và một cô con gái út. Sara Imas là hậu duệ của những người Do Thái đã đến định cư lâu đời tại Thượng Hải.

Sau khi quan hệ Trung Quốc – Israel được xác lập, trước tiếng gọi trở về cố hương, Sara đã từ bỏ cuộc sống phồn hoa ở Thượng Hải, mang theo ba đứa con trở về Israel – nơi đồng bào của bà đang ngày ngày phải chịu đựng khói lửa chiến tranh, bắt đầu một trải nghiệm giáo dục “xuyên quốc gia” đặc biệt của mình.

Với những điều mắt thấy tai nghe về các câu chuyện giáo dục con cái trong gia đình ở môi trường “mới” này, bà đã quyết tâm từ bỏ hình ảnh của một “bà mẹ Trung Quốc” để trở thành một “bà mẹ Do Thái” chính cống. Hình ảnh của “bà mẹ Do Thái” này khiến không ít người cho rằng đó là cách giáo dục khá tàn nhẫn, thế nhưng những gì mà bà mang lại cho các con đã thực sự khiến chúng ta mở mang thêm một tầm nhìn mới về cách thể hiện tình yêu thương đối với con cái.

Sarah Imas đã đúc kết: “Tình yêu đối với con cái của một số cha mẹ Trung Quốc giống như hình tử cung, họ luôn muốn bao bọc lấy chúng trong tình yêu thương vô điều kiện của mình suốt cuộc đời. Còn tình yêu của các bậc cha mẹ Do Thái đối với con cái thì tựa như hình một đống lửa, tình yêu đó được dằn sâu trong lòng, dưới biểu lộ sắt đá và cứng cỏi, họ chỉ làm một ngọn lửa rực sáng, soi rọi con đường phía trước cho con cái, để chúng có thể tự học cách sinh tồn, vươn lên trong cuộc đời.”

Đọc những câu chuyện tác giả chia sẻ, có những lúc tôi như thấy hình ảnh của chính mình trong đó. Cuốn sách như một tấm gương để những bà mẹ như tôi nhìn vào, những lối mòn trong tư duy, những nhược điểm cố hữu trong cách nuôi dạy con cái mà hàng ngày vẫn đang vấp phải, luôn thôi thúc tôi khát khao học hỏi để tìm ra phương pháp giáo dục thích hợp nhất cho từng đứa con của mình.

Lối kể chuyện tự nhiên, chân thật nhưng vẫn nồng đượm tình yêu thương của tác giả gợi cho tôi nhớ lại rất nhiều những ký ức đáng quý, giữa mẹ và tôi trong quá khứ, giữa tôi và các con trong hiện tại. Hy vọng rằng, mỗi bậc cha mẹ Việt Nam khi đọc xong cuốn sách này, sẽ rút ra được những bài học bổ ích và phù hợp cho quá trình nuôi dưỡng tâm hồn, phát triển nhân cách của con mình.

Mỗi phương pháp đều có những ưu điểm riêng, và đều thể hiện những nỗ lực tuyệt vời của các gia đình trong công việc đầy thử thách này. Tuy nhiên, gia đình không phải là nguyên nhân duy nhất cho sự thành công hay thất bại, hạnh phúc hay bất hạnh của mỗi cá nhân. Các yếu tố giáo dục ngoại vi và môi trường xã hội cũng đóng vai trò ngày càng quan trọng trong quá trình hình thành nhân cách của thế hệ tương lai.”

Phó tổng giám đốc tập đoàn FPT Chu Thị Thanh Hà