Nội quy Tây Hà Nội

Posted on Posted in Nội quy nhà trường

I. Quyền và trách nhiệm của học sinh:

Mọi thành viên trong trường Tây Hà Nội (học sinh, giáo viên, nhân viên, phụ huynh) đều cần tôn trọng và tuân thủ quyền và trách nhiệm của học sinh.

Quyền của học sinh bao gồm:

     • Được tôn trọng về thể trạng và tính cách cá nhân.

     • Tự do ngôn luận trên tinh thần xây dựng và phù hợp hoàn cảnh.

Trách nhiệm của học sinh bao gồm:

     • Tôn trọng thầy cô, người lớn, bạn bè.

     • Tôn trọng tài sản của người khác, các trang thiết bị của trường lớp và không gian sinh hoạt chung trong trường.

Để thực hiện tốt quyền và trách nhiệm của học sinh nói trên, Trường Tiểu học & THCS Tây Hà Nội quy định các quy tắc như sau:  

1. Sự an toàn:

     − Học sinh tuân theo các quy tắc cụ thể của giáo viên trong các giờ học và quy định của sân chơi.

     − Học sinh chơi các trò chơi phù hợp với lứa tuổi và không nguy hiểm. 

     − Tìm gặp ngay giáo viên nếu cảm thấy không an toàn.

     − Không trèo lên lan can hành lang, bệ cửa sổ, chấn song.

     − Ra vào phòng đóng cửa nhẹ nhàng.

     − Đi bộ bên phải và giữ trật tự trong hành lang. 

     − Xếp hàng khi di chuyển theo lớp.

     − Thực hiện văn hóa xếp hàng mọi lúc, mọi nơi.

     − Nhà trường không chịu trách nhiệm cho bất kỳ đồ chơi bị mất hoặc vật dụng cá nhân (đồ trang sức và vật có giá trị đều bị cấm). Điện thoại di động – nếu có – phải được tắt, giữ trong cặp và chỉ được sử dụng ngoài lớp học.

     − Tiền không được phép sử dụng trong trường học. Khi tham gia các kế hoạch tài chính cần thiết, nhà trường sẽ có thông báo cụ thể tới phụ huynh.

     − Khi ra khỏi khuôn viên trường: học sinh hành xử như đại sứ của trường và tuân thủ cao quy định và an ninh liên quan tại địa điểm dã ngoại, sinh hoạt ngoại khóa.

    − Đối với thời tiết xấu như mưa, bão… trường sẽ thông báo tới phụ huynh và làm theo quy định của Phòng Giáo dục Quận Bắc Từ Liêm và Sở GD-ĐT Hà Nội.

2. Khi đi học:

     − Đi học đúng giờ.

     − Hết giờ ra chơi, nhanh chóng vào lớp và về chỗ ngồi theo hiệu lệnh chuông.

     − Mặc đồng phục theo quy định, không đi dép lê tới trường.

     − Đầu tóc gọn gàng, không để tóc mái dài che qua mắt. Không trang điểm.

     − Không dùng điện thoại trong giờ học (từ 8:00 đến 16:05). Trong trường hợp cần liên lạc với gia đình: liên hệ trực tiếp với Văn phòng hoặc giáo viên chủ nhiệm để được hỗ trợ.

3. Các mối quan hệ trong trường lớp:

     − Hãy đối xử với người khác theo cách mà bạn muốn được đối xử.

     − Không được phép chửi thề.

     − Tôn trọng, quan tâm và hợp tác với bạn bè.

     − Lễ phép với người lớn.

     − Nói KHÔNG với bắt nạt. Nếu thấy hiện tượng bắt nạt xảy ra, hãy nói ngay với giáo viên.

4. Giữ gìn vệ sinh và bảo vệ tài sản chung:

     − Bỏ rác vào thùng.

     − Ăn trong phòng ăn theo quy định, không mang đồ ăn ra hành lang.

     − Sử dụng nhà vệ sinh đúng quy định. Tiết kiệm giấy vệ sinh, nước. Không nghịch giấy và xà phòng trong nhà vệ sinh.

     − Chăm sóc, bảo vệ cây cối, đồ chơi, các trang thiết bị trong trường lớp.

     − Nếu học sinh cố ý gây ra thiệt hại về tài sản của người khác hoặc của trường, gia đình học sinh đó sẽ đóng góp một phần hoặc tất cả (tùy trường hợp) các chi phí sửa chữa, mua mới.

 

II. Lưu ý dành cho phụ huynh:

     1. Liên lạc, thông báo với giáo viên chủ nhiệm hoặc Văn phòng trong trường hợp học sinh đến muộn hay nghỉ học.

     2. Gia đình chịu trách nhiệm đến đón học sinh trong trường hợp cần về nhà gấp.

     3. Cần cho học sinh nghỉ học khi mắc một trong số các bệnh sau: Covid-19, đau mắt, cúm gia cầm, ho gà, sởi, quai bị, rubella, thủy đậu, sốt virus, lao, các bệnh truyền nhiễm khác… Trường hợp học sinh vẫn đến trường thì cần mang theo giấy chứng nhận có thể tới trường của bác sỹ.

     4. Nếu phụ huynh nhờ giáo viên cho con uống thuốc, ngoài việc gọi điện hoặc liên lạc trực tiếp với giáo viên, yêu cầu phụ huynh phải viết giấy Hướng dẫn sử dụng thuốc.

     5. Toàn bộ đồ dùng cá nhân cần phải dán nhãn ghi thông tin tên, lớp.

     6. Giáo viên chủ nhiệm chỉ nhận điện thoại liên lạc từ gia đình ngoài giờ đứng lớp. Trong trường hợp khẩn cấp, gia đình gọi điện tới Văn phòng nhà trường để thông tin.

     7. Ngoài việc phụ huynh liên lạc trực tiếp với giáo viên chủ nhiệm về các vấn đề học tập rèn luyện của học sinh, nhà trường sử dụng các kênh thông tin sau thông báo tới phụ huynh: email, tin nhắn sms, facebook, thông báo giấy dán sổ báo bài.

     8. Nhà trường sẽ thông báo tới phụ huynh về việc cho con nghỉ học tạm thời trong các trường hợp sau:

          − Lý do thời tiết xấu như mưa bão, ngập lụt…

          − Dịp Lễ, Tết.

          − Các sự kiện nội bộ.

     9. Trường hợp phụ huynh tổ chức sinh nhật cho con, liên hoan cho lớp, phụ huynh cần báo trước cho giáo viên chủ nhiệm để thu xếp phòng ăn, không làm tại lớp.