Mỗi trường học sẽ lựa chọn mô hình để hướng tới mục tiêu giáo dục của riêng mình trong mối tương quan với chuẩn chung của hệ thống giáo dục. Trường Liên cấp Tây Hà Nội (gồm hệ Tiểu học và THCS) là một trường mới được thành lập bởi các chuyên gia giáo dục đến từ Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Trường Đại học Thủ đô (trước đây là Cao đẳng Sư phạm Hà Nội) và các đồng nghiệp sáng lập điều hành Trường Song ngữ Brendon. Đó là sự kết hợp giữa những cá nhân theo giáo dục truyền thống và hiện đại, giữa bản sắc dân tộc và những giá trị quốc tế. Trong lộ trình phát triển, Trường Liên cấp Tây Hà Nội (WHS) từng bước xây dựng, hoàn thành chương trình giáo dục, đội ngũ cán bộ giáo viên, cơ sở vật chất. Tuy nhiên những giá trị cốt lõi mà nhà trường hướng tới là những hằng số bền vững, không bao giờ thay đổi.
Chúng tôi xác định hệ Hệ giá trị mà trường WHS xây dựng, hướng tới là:
- Con người: Lấy cảm xúc, lòng yêu thương là tiêu điểm, phát huy tố chất, điểm tốt của mỗi người học, tôn trọng sự khác biệt
- Phẩm chất: Lấy sự trung thực làm nền tảng, xây dựng lòng tự trọng, tự tin, tinh thần trách nhiệm với cộng đồng
- Học tập: Học thực chất, học đâu biết đấy, học để thích ứng với cuộc sống và hướng tới tương lai
- Chất lượng: Công khai minh bạch về chương trình, chất lượng, kiểm tra đánh giá, tài chính, nhân sự
(1). Câu chuyện “Tottochan cô bé bên cửa sổ” là một sáng tác văn học cảm động, bắt nguồn từ thực tế đời sống, trong đó có việc lựa chọn một môi trường giáo dục cho con. Trong tác phẩm, Tottochan đã bị đuổi ra khỏi trường tiểu học trong ngày đầu tiên đến trường vì quá hiếu động. Sau đó, mẹ đưa em tới trường học mới có tên Tomoe, nơi có một người thầy ngồi nghe em nói suốt bốn tiếng đồng hồ. Nơi đó em được là chính mình, được học kiến thức, học cách sống có trách nhiệm, học cách yêu thương mọi người và tôn trọng sự khác biệt. Cô bé ấy, sau này lớn lên đã trở thành một trong những nghệ sĩ nổi tiếng nhất nước Nhật và là đại sứ thiện chí của UNICEF.
Vì vậy, sứ mệnh nền giáo dục không chỉ là phục vụ nhu cầu xã hội, cung cấp cho con em một nền giáo dục toàn diện, cân đối, phát triển hết tiềm năng, giáo dục con em thành những công dân tốt, có ý thức trách nhiệm với gia đình, xã hội và đất nước; mà nền giáo dục còn phải nuôi dưỡng, duy trì TRÍ TUỆ CẢM XÚC cho trẻ. Thường là chúng ta hay chú ý đến những khẩu hiệu của trường học, thực hiện theo những thứ giáo điều nhưng những điều hết sức bình thường như cách tỏ bày cảm xúc, thể hiện sự quan tâm lo lắng, những xúc cảm, quan điểm cá nhân của người học thì ít được thực hiện hoặc thực hiện không thành nếp, không thành thói quen của nhà trường. Trường học cần là nơi để trẻ nhận biết được cảm xúc cá nhân, những tình cảm yêu mến bạn bè, thương yêu cha mẹ, ông bà; rung cảm trước vẻ đẹp thiên nhiên, loài vật… Đồng thời trẻ cũng cần hiểu được cảm xúc của những người xung quanh, biết chia sẻ, cảm thông, biết cảm ơn, biết xin lỗi, biết nói những lời chân thành… từ đó mới có thể xây dựng nhân cách con người có trách nhiệm, có tinh thần vì cộng đồng. Tuy nhiên, ngay cả những thứ thuộc về cảm xúc chúng ta cũng biến thành khẩu hiệu, những bài học lẽ ra có thể để trẻ cảm nhận, rung cảm thì chúng ta cũng định hướng cả cảm xúc của trẻ.
Bên cạnh nhà trường, phụ huynh trong cuộc sống hàng ngày cũng cần tạo ra những hoàn cảnh giáo dục khơi dậy cảm xúc cho trẻ, khuyến khích tôn trọng những tình cảm của trẻ. Bài văn nghị luận của học sinh lớp 9 mới đây đã lấy ví dụ về việc con người tạo ra rô-bôt những vẫn chưa thể cấy được con chip biểu lộ cảm xúc, trong khi đó con người là sinh vật có đầy đủ cảm xúc nhất thì chúng ta lại bỏ qua, lãng quên giá trị này. Những nhận thức suy tư về sự thờ ơ, vô cảm trong xã hội chúng ta của bạn học sinh đó đã thực sự khiến chúng ta phải suy nghĩ, nhìn nhận lại cách giáo dục đối với trẻ.
Trường Tây Hà Nội (WHS) không tạo ra những sự khác biệt trong giáo dục, không tạo ra những mẫu hình nhân cách khác biệt truyền thống, mà điểm quan trọng nhất của chúng tôi là chấp nhận sự khác biệt. Đây sẽ là một trường học mà ở đó học sinh luôn được thầy cô tôn trọng và được tạo cơ hội tối đa để tự do phát huy cá tính và khả năng bẩm sinh. Học sinh đến trường được hưởng niềm vui trong học tập, việc học trở thành một hoạt động tự nguyện, hứng khởi. Trong tác phẩm “Con mèo dạy hải âu bay” (Luis Sevulveda), quá trình chú mèo Zorba: “sẽ không ăn quả trứng”, sẽ “chăm lo cho quả trứng đến khi chú chim non ra đời”, và điều cuối dường như không tưởng là “dạy nó bay” đã đem đến cho trẻ em một trí tưởng tượng tuyệt vời về hành trình vừa thú vị vừa bất ngờ đó. Một trong những bài học sâu sắc nhất mà truyện đề cập đến là tình yêu thương dành cho một người khác mình, tức là việc chấp nhận sự khác biệt.
Tuy nhiên, việc phát huy tố chất, cá tính học sinh không đồng nghĩa với việc tự do, một trường học không kỉ luật không có nghĩa là chiều theo mọi ý thích của trẻ. Ở giáo dục Việt Nam luôn chứa đựng nhiều nghịch lí: học sinh và phụ huynh chờ khi nhiệt độ dưới 10 độ C là nghỉ học, trong khi đó ở Nhật Bản, họ coi đó là điều kiện tốt để rèn luyện khả năng chịu đựng, vượt qua gian khó của học sinh. Chính vì vậy, trường WHS đưa ra phương châm “ĐÁP ỨNG NHỮNG NGUYÊN TẮC TỐI THIỂU THÌ SỰ TỰ DO LÀ TỐI ĐA, SỰ SÁNG TẠO LÀ KHÔNG GIỚI HẠN”. Cũng như trong một bữa ăn có cơm, canh, thức ăn thì từng thành viên không nhất thiết phải bắt buộc ăn thức ăn trước, hay ăn canh trước, mỗi một người có thể lựa chọn khác nhau theo sở thích, thói quen. Nhưng có một nguyên tắc là phải ăn đủ lượng thức ăn cần thiết cho mình.
Mọi thành viên của WHS cần thực hiện nguyên tắc tôn trọng cộng đồng và tôn trọng bản thân mình. Andrew Chrucky (Tiến sĩ Triết học, Trường Đại học Fordham University, Hoa Kỳ) trong bài viết “Giáo dục nhận thức, đạo đức và cảm xúc” nhằm phản biện lại mục tiêu tổng quát của nhiều nhà giáo dục Mỹ loại trừ khía cạnh luân lí. Ông đã lất ví dụ về trường hợp Robinson Cruso ở đảo hoang. Robinson được thừa hưởng tri thức của nhân loại để tồn tại trên đảo nhưng rất cần thiết sự xuất hiện của Friday. Từ chỗ hai người xa lạ, khác biệt về ngôn ngữ, họ đã đi đến thống nhất các nguyên tắc ứng xử, tương trợ giúp đỡ với nhau. Điều đó cho thấy sự cần thiết của việc tạo dựng trí tuệ cảm xúc, đạo đức ở con người, trong các mối quan hệ xã hội.
Trong các dạng thức cảm xúc thì không thể thiết cảm xúc thẩm mĩ, tức là cảm xúc về cái đẹp, hướng tới cái đẹp. Mục tiêu này không chỉ được hiển thị ở các bộ môn xã hội, nghệ thuật mà cần trở thành mục tiêu chung mà tất cả các bộ môn khoa học tự nhiên, vận động, kĩ năng sống hướng đến. Từ đó, hình thành năng lực thẩm mĩ cho người học, tức là là khả năng tạo ra cảm xúc, tình cảm, thái độ, hứng thú với đối tượng, từ đó hình thành lí tưởng, quan niệm thẩm mĩ.
Một người học cảm nhận được cái đẹp của thiên nhiên, của môi trường, của mọi người xung quanh và cảm nhận vẻ đẹp của chính mình sẽ luôn biết hướng tới những giá trị tốt đẹp, hoàn thiện hơn.