Ngay từ năm học đầu tiên, Trường Tiểu học và THCS Tây Hà Nội đã đưa môn Kĩ năng sống vào chương trình học chính khóa của tất cả các khối lớp với thời lượng 1 tiết/1 tuần.
Tổ chức Y tế Thế giới WHO định nghĩa kỹ năng sống là “khả năng thích nghi và hành vi tích cực cho phép cá nhân có khả năng đối phó hiệu quả với nhu cầu và thách thức của cuộc sống hàng ngày”. Trong giáo dục, việc cung cấp và truyền tải kiến thức cho học sinh là phần quan trọng nhất, bên cạnh đó, việc rèn kĩ năng sống cho học sinh cũng là một nội dung không thể thiếu. Rèn luyện kĩ năng cho học sinh ngay từ khi mới vào trường là định hướng giáo dục của nhiều trường học hiện nay.
Cũng theo WHO, kỹ năng sống được chia thành 2 loại là kỹ năng tâm lý xã hội và kỹ năng cá nhân, lĩnh hội và tư duy, với 10 yếu tố như: tự nhận thức, tư duy sáng tạo, giải quyết vấn đề, kỹ năng giao tiếp ứng xử với người khác, ứng phó với các tình huống căng thẳng và cảm xúc, biết cảm thông, tư duy bình luận và phê phán, cách quyết định, giao tiếp hiệu quả và cách thương thuyết.
Tại WHS, các nhóm kĩ năng được xây dựng theo các cấp độ và theo từng nội dung, thông qua các tình huống, câu chuyện và những hoạt động trải nghiệm thực tế gần gũi. Các thầy cô giáo tại trường Tây Hà Nội quan niệm rằng, kĩ năng sống không thể dạy trẻ một cách sáo rỗng hay lí thuyết, mà cần được hình thành và rèn luyện một cách tự nhiên. Từ những thói quen tốt hàng ngày như cúi chào, nói “Cảm ơn”, “Xin lỗi”, … dần dần sẽ hình thành nhân cách và và tạo cho trẻ thói quen hướng thiện, lịch thiệp và luôn hành xử văn hóa.
Giáo dục kĩ năng sống được chia thành 2 loại: Kĩ năng cơ bản và kĩ năng nâng cao.
+ Kĩ năng cơ bản gồm: Kĩ năng nghe, nói, đọc, viết, múa, hát, đi, đứng, chạy, nhảy v.v…
+ Kĩ năng nâng cao bao gồm: Các kĩ năng tư duy logic, sáng tạo, suy nghĩ nhiều chiều, phân tích, tổng hợp, so sánh, nêu khái niệm, đặt câu hỏi v.v… Ở tiểu học, đối với các lớp đầu cấp, kĩ năng cơ bản được xem trọng, còn các lớp cuối cấp nâng dần cho các em về kĩ năng nâng cao.
Theo đó cần tập trung rèn luyện cho các em 2 nhóm kĩ năng sống sau đây:
➡ Nhóm Kĩ năng giao tiếp – hòa nhập cuộc sống:
– Các em biết giới thiệu về bản thân, về gia đình, về trường lớp học và bạn bè thầy cô giáo.
– Biết chào hỏi lễ phép trong nhà trường, ở nhà và ở nơi công cộng.
– Biết nói lời cảm ơn, xin lỗi. – Biết phân biệt hành vi đúng sai, phòng tránh tai nạn. Đây là kỹ năng quan trọng mà không phải em nào cũng xử lý được nếu chúng ta không rèn luyện thường ngày.
➡ Nhóm kỹ năng trong học tập, lao động – vui chơi giải trí:
– Các kỹ năng nghe, đọc, nói, viết, kỹ năng quan sát, kỹ năng đưa ra ý kiến chia sẻ trong nhóm.
– Kỹ năng giữ gìn vệ sinh cá nhân, vệ sinh chung.
– kỹ năng kiểm soát tình cảm – kỹ năng kìm chế thói hư tật xấu sở thích cá nhân có hại cho bản thân và người khác.
– Kỹ năng hoạt động nhóm trong học tập vui chơi và lao động.
Trong khung chương trình giáo dục Kĩ năng sống của trường Tây Hà Nội, các nội dung kĩ năng sống được thiết kế đan xen trong các môn văn hóa, và trong những tiết riêng biệt, thông qua các tình huống thực tế và các hoạt động học tập hàng ngày.