Trung thực là nền tảng của sự hình thành nhân cách

Posted on Posted in Tâm lý học đường, News & Events, Tin tức WHS

TS Andrew Chrucky đánh giá cao việc giáo dục đạo đức trong nhà trường. Tác giả cho rằng “mục tiêu của giáo dục tổng quát – được hiểu một cách đúng đắn – bao gồm giáo dục nhận thức, đạo đức và cảm xúc. Và chỉ khi giáo dục tổng quát bị hiểu nhầm, người ta mới có thể loại trừ thành tố đạo đức và cảm xúc. Vậy thì, nếu như giáo dục tổng quát được định nghĩa với những kỹ năng nhận thức ngoài phạm vi luân lý – như ba vị giáo sư trên đây cho rằng nên như vậy – nền giáo dục đó sẽ tạo ra thứ người gì? Tôi có thể trả lời lập tức: tạo ra những kẻ ngụy biện. Người ngụy biện là kẻ được trang bị kỹ năng gây ảnh hưởng với cử tọa và chiến thắng mọi cuộc tranh luận. Hắn là kẻ, nói cách khác, được trang bị kỹ năng sống còn trong một bối cảnh xã hội nhất định. Plato, trái lại, muốn đào tạo những triết gia có thể được miêu tả như những nhà biện chứng đạo đức, nghĩa là những người được đào tạo thuật biện chứng (kỹ năng nhận thức) và dùng nó để nâng cao đạo đức theo một cách có sự kiểm soát của cảm xúc. Giáo dục tổng quát không nói về việc tạo ra chất nổ, mà về những vấn đề chẳng hạn như khi nào – nếu có – nên dùng chất nổ và với mục đích gì. Giáo dục nhận thức, đạo đức và cảm xúc”. Như vậy việc giáo dục đạo đức song hành và gắn bó chặt chẽ với việc giáo dục trí tuệ cảm xúc – đó là định hướng mục tiêu mà Trường Phổ thông Liên cấp WHS vươn tới.   

Trong định hướng giáo dục đạo đức, hình thành nhân cách cho trẻ, Trường WHS lựa chọn LÒNG TRUNG THỰC là giá trị CỐT LÕI, NỀN TẢNG. Những giá trị đạo đức, lí tưởng truyền thống là lòng yêu nước, tình yêu thương, tính cộng đồng, sự thủy chung, lòng hiếu thảo luôn là các giá trị cao cả mà con người hướng tới và gắn chặt với mẫu hình nhân cách Việt. Tuy nhiên chúng tôi muốn lấy lòng trung thực là phẩm chất thiết yếu, nền tảng để làm cơ sở xây dựng nên nhân cách con người. Đặc biệt là nhiều phẩm chất cao quý nói trên có thể hình thành từ truyền thống, giáo dục qua các thế hệ hoặc tự giáo dục thì sự trung thực nhất thiết phải gắn với môn học, gắn với các hoạt động giáo dục thì mới có thể hình thành. Lòng trung thực tạo thành tính cách nếu con người được giáo dục, được nhận thức từ sớm, từ những việc nhỏ nhất. “Hãy trung thực trong những việc nhỏ bởi sức mạnh của bạn nằm ở đó (Mẹ Teresa). Trung thực và giả dối, thiện và ác, tốt và xấu xung đột giống như hai con sói trong truyện ngụ ngôn mà sự chiến thắng thuộc về con sói nào mà ta chăm sóc, cho nó ăn, nuôi dưỡng nó nhiều hơn. Điều đó có nghĩa là điều chỉnh những hành vi đạo đức phải bắt đầu từ những việc nhỏ nhất, vì thế giáo dục lòng trung thực cũng bắt đầu từ những việc nhỏ nhất. Thực sự trung thực là một đặc tính rất có giá trị trong những mối quan hệ, giúp chúng ta xây dựng sự tin tưởng và tôn trọng giữa người với người. Để tạo nên sự trung thực của một cá nhân, gia đình – nhà trường – xã hội đều phải chung tay, chung trách nhiệm. Một nhà trường cần tạo ra môi trường học tập công bằng, đánh giá đúng năng lực, phẩm chất của người học, đem đến cho người học hiểu biết quan niệm về giá trị sống: chúng ta nhận được kết quả đúng với khả năng thực chất của mình. Một gia đình nên tạo ra suy nghĩ chính trực cho con cái rằng: hạnh phúc chỉ thật sự lâu bền, có giá trị khi ta đạt được bằng sự nỗ lực và trân trọng của mình. Cho nên, một môi trường giáo dục tốt không chỉ là cơ sở vật chất, chương trình, đội ngũ thầy cô mà trường học còn cần những phụ huynh tốt. Những phụ huynh đó biết vui vẻ đón nhận bất kể kết quả học tập nào của con em mình, miễn là kết quả đó phản ánh năng lực, sự nỗ lực và thực lực của con em học. Chúng ta cũng bỏ đi những thói quen hàng ngày vô tình khiến trẻ mất đi cơ hội thể hiện sự thành thực: Đừng hỏi trẻ “con yêu bố hơn hay yêu mẹ hơn”; “con thích về quê nội hay quê ngoại”, đừng tạo áp lực rằng con bạn phải dẫn đầu hay trở thành thiên tài. Hãy lắng nghe những tâm sự của con cái về một ngày đến trường, những cảm xúc, những niềm vui con trải qua với các môn học, các thầy cô, bạn bè…

Đề thi HSG toàn quốc văn lớp 12 năm 2017 đã dẫn ra câu chuyện về Masaro Thật – Như – Đếm, truyện cổ tích Italia. Đề thi được đánh giá khá hay, và bất ngờ với thí sinh, vì trong nhiều vấn đề đạo đức, lí tưởng, các em rất dễ lấy ví dụ về tinh thần yêu nước, lí tưởng cống hiến, trách nhiệm cộng đồng, nhưng những dẫn chứng về lòng trung thực rất khó đưa ra. Trái lại, phần lập luận phản biện, nói về mặt trái của vấn đề, người viết luôn có rất nhiều dẫn chứng về bệnh giả dối. Một xã hội không lấy nền tảng là sự trung thực sẽ dẫn đến muôn vàn hệ lụy: giả dối trong kinh doanh, giả dối trong chính trị, ngoại giao, xâm phạm bản quyền, ăn cắp ý tưởng, thương hiệu; thậm chí đến những vật dụng, sản phẩm hàng ngày của nền kinh tế nông nghiệp như gạo, nước mắm, rượu… người ta cũng làm giả. Lí giải cho sự tồn tại phổ biến của sự giả dối, thiếu trung thực, người ta thường lập luận rằng do con người thiếu nhân cách, thiếu tự trọng, thiếu giáo dục, tức là lại viện dẫn những luân lí, đạo đức trừu tượng. Tôi thì cho rằng sự thiếu trung thực có nguồn gốc cơ bản từ lợi ích của con người. Sự xung đột về lợi ích dẫn đến việc con người thiếu trung thực. Vì vậy, dường như chúng ta chỉ tìm thấy sự trung thực trong những quan hệ phi lợi nhuận. TS Nguyễn Ngọc Minh (Trường ĐHSP Hà Nội) trong một bài viết bàn về thật – giả trong xã hội chúng ta đã quan niệm rằng: “Trung thực với người khác và trung thực với chính bản thân mình. Chỉ khi nào đứa trẻ được sống trung thực với chính mình, được là chính mình, và trung thực với những người xung quanh, thì nó mới cảm thấy hạnh phúc tự bên trong, bởi vì nó được sống một cách chân thật và nhận được sự tin cậy từ người khác. Khi trong tâm an tĩnh, bình lặng, tự tin, con người ta mới dám dũng cảm theo đuổi sở thích, đam mê, mới dám trở thành chính mình, và vì thế mới phát triển hết được năng lực tiềm ẩn của bản thân, mới nhận được sự tương hỗ, giúp đỡ từ người khác. Hạnh phúc được xây dựng trên nền tảng của sự trung thực, vì thế, mới là hạnh phúc bền vững”. Vì lẽ đó, một sự nhận thức rõ ràng, minh bạch rằng những lợi ích, hạnh phúc xứng đáng với những nỗ lực và phẩm chất của bản thân chúng ta. Chỉ khi vượt ra khỏi những lợi ích cá nhân đó thì sự trung thực mới có điều kiện để tồn tại.

Việc giáo dục đạo đức nói chung và lòng trung thực nói riêng cần thực hiện hết sức tỉ mỉ, cẩn trọng và dựa trên nguyên tắc làm gương. Mỗi người lớn ở chung quanh đều phải chú ý  đến hành động và lời nói của chính bạn. Trẻ em học được rất nhiều từ những điều họ quan sát cha mẹ và người lớn xung quanh mình. Tất nhiên, chúng ta không thể bảo đảm rằng luôn đúng, luôn trung thực trong mọi tình huống nhưng hãy cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất thể hiện điều đó trước mặt trẻ. Mỗi người lớn chúng ta thực sự cần nhìn nhận những quyết định tốt của trẻ, khuyến khích con em mình thành thực hơn và không cảm thấy ngại ngùng hay thiếu dũng khí khi phải nói những điều đúng đắn. Mỗi cơ hội trong cuộc sống hãy để cho trẻ nói thật và lựa chọn theo cảm xúc của mình. Đặc biệt cần đối mặt với những tình huống mà chúng ta biết trẻ nói dối, nhìn nhận thẳng thắn và phân tích về điều đó. Những bài học gần đây về sự trung thực và không trung thực (thí nghiệm hóa học, đụng xe gãy chân trong sân trường…) đáng tiếc lại đều xảy ra ở trường học, dẫn đến những hậu quả không lường vì sự mất niềm tin không chỉ của phụ huynh, xã hội mà của chính những đứa trẻ về những người giáo dục. Nhất thiết chúng ta cần nhấn mạnh vào sự trung thực chứ đừng nhấn mạnh đến các hình phạt. Thứ khiến trẻ em không nói thật là nỗi sợ hậu qủa, là sự dè bỉu, giễu cợt của người lớn vì thế nhận thức cho trẻ rằng thành thật, dù là với lỗi lầm, trẻ sẽ được tha thứ và thực sự thanh thản.

Hình ảnh chú bé người gỗ Pinocchio mỗi khi nói dối thì chiếc mũi dài ra, đã trở nên nổi tiếng từ những trang sách trong câu chuyện của nhà văn người Italia Carlo Collodi. Câu chuyện về chú bé người gỗ trong cuộc hành trình gian nan để trở thành người thật, được xem là chiến thắng của phong cách giáo dục bằng một cốt truyện được dẫn có lớp lang, hấp dẫn qua tranh vẽ minh hoạ. Ở đó chúng ta còn thấy một ẩn ý rằng: khi có ngôn ngữ, tiếp xúc với thế giới loài người, con người rất dễ nói dối, phù hợp với thực trạng của xã hội, khi trẻ càng lớn thì càng giảm dần cảm xúc và sự trung thực. Điều này đặt ra trách nhiệm của chính những nhà giáo dục, với sứ mệnh duy trì và nuôi dưỡng sự trung thực đẹp đẽ trong tâm hồn trẻ.

Và chỉ khi cảm xúc được nảy nở, sự trung thực được đề cao thì chúng ta mới có một môi trường giáo dục thực chất và giàu giá trị.

(PGS.TS Nguyễn Việt Hùng)