“Ông đồ” là một trong số ít ỏi sáng tác của Vũ Đình Liên, vì thế có người gọi là tác giả là “nhà thơ một bài”, nhưng để lại dấu ấn đậm nét trong những người yêu thơ Việt Nam, nhất là với các nhà thơ mới.
Hôm nay các học sinh lớp 8C1 đã được học bài thơ này với PGS.TS Nguyễn Việt Hùng. Thầy lên lớp với các học trò suốt 2 tiết chỉ bằng bảng đen, phấn trắng mà không sử dụng bất cứ phương tiện dạy học hiện đại nào. Thầy mong muốn các con trở lại với một giờ văn truyền thống, được khám phá vẻ đẹp của tác phẩm từ chính ngôn từ, chữ nghĩa, để lắng đọng cảm xúc và đổng cảm với suy tư, tình cảm của nhà thơ về một “di tích tiều tuỵ và đáng thương” trong đời sống tinh thần xưa – ông đồ.
Mở đầu bài giảng, thầy KHƠI GỢI CẢM XÚC VÀ TRI THỨC NỀN cho học sinh bằng hai bức tranh chữ mà học trò gửi tặng thầy nhân ngày 20/11 vừa qua. Bức tranh vừa có ý nghĩa tôn vinh người thầy, vừa cho thấy mối liên hệ của hình tượng ông đồ với người thầy hiện nay.
Tiếp đó, để BỔ SUNG TRI THỨC NỀN cho học sinh, thầy hướng dẫn các con tự hoàn thành các sơ đồ về tác giả, tác phẩm. Phần này học sinh đã hợp tác tự nguyện, hào hứng để tự bổ sung tri thức cho bản thân. Sau đó, thầy sửa những thông tin chưa chính xác. Các thầy cô dự giờ và học sinh còn được cung cấp thông tin về sự xuất hiện nghề thầy giáo, vai trò người thầy xưa và nay, phân biệt chữ thày/thầy, nghệ thuật thư pháp.
Trọng tâm bài học là KHÁM PHÁ BÀI HỌC, học sinh được làm việc với văn bản, tìm câu chữ, giải nghĩa. Một câu hỏi hóc búa về công thức diễn tả thời gian lặp lại “MỖI năm…. LẠI” trong bài thơ đã đuợc một học sinh phát hiện trở lại trong lời bài hát Tây Hà Nội của thầy Hoàng Tùng. Thầy Hùng và các thầy cô đã rất huởng ứng và cổ vũ học sinh vì câu trả lời này. Các em được tìm hiểu hình tuợng ông đồ, cảm xúc của nhà thơ qua việc phân tích các hệ thống từ ngữ có tính chất tương phản, đối lập, để cảm nhận sự thay đổi của thời gian, sự biến đổi của đời người, sự biết mất của các giá trị văn hoá.
Bài học không chỉ khép lại ở ngôn từ, ở 5 khổ thơ, PGSTS Nguyễn Việt Hùng còn liên hệ bài học với việc nhiều sự việc, sự vật, giá trị tinh thần xung quanh chúng ta đang dần mất đi, biến đổi. Từ đó thầy đặt ra cho các học trò nhiệm vụ giữ gìn các tinh hoa của dân tộc: Hát chèo, hát quan họ, hát xẩm, các nghề thủ công…
Một bài thơ đã ra đời hơn 80 năm, một bài học ở SGK gần 20 năm nay, hôm nay đã sống một đời sống mới, hiện đại, thời sự mà vẫn giản dị và lắng đọng cảm xúc.