HÃY NÓI VỚI CON VỀ ĐỨC HẠNH
Nhà soạn nhạc nổi tiếng Beethoven từng nói “Hãy dạy cho con cái anh đức hạnh, bởi chỉ có nó chứ không phải tiền bạc có thể đem lại hạnh phúc cho con cái bạn”. Điều đó cho thấy vai trò to lớn của đạo đức trong việc hình thành và hoàn thiện nhân cách cho trẻ và cũng đặt ra vấn đề giáo dục đạo đức không chỉ là nhiệm vụ của nhà trường, của giờ học đạo đức mà của toàn xã hội và của tất cả các yếu tố tham gia giáo dục.
Sinh thời Hồ Chủ tịch cũng nhấn mạnh: “Đạo đức cách mạng không phải là từ trên trời rơi xuống, nó được phát triển và củng cố trong đấu tranh và rèn luyện kiên trì hàng ngày, giống như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng tinh.” Lời dạy của Người cho ta thấy cần có một sự nhận thức sâu sắc trong nhà trường và toàn xã hội về mục tiêu chiến lược của công tác giáo dục đạo đức – công dân mà nhà trường là CHỦ CHỐT, TRỰC TIẾP làm nhiệm vụ này góp phần quan trọng tạo nên nhân phẩm, đạo đức, tư cách và nếp sống, sinh hoạt, học tập của học sinh, tạo lập nền tảng vững chắc sự phát triển và hoàn chỉnh về mặt đạo đức cho chính các em ở lứa tuổi thanh niên lực lượng lao động, học tập đầy năng lực, sáng tạo trong cuộc sống của cộng đồng. Đặc biệt những năng lực đạo đức đó cần hình thành có hệ thống, chuẩn mực, phù hợp với sự phát triển của địa phương.
Tuy nhiên, trẻ em như búp trên cành mà giáo dục đạo đức thì như là uốn cây non, cần hết sức cẩn trọng, tỉ mỉ, vừa khéo léo vừa nghiêm khắc để hình thành nhân cách trẻ. Dạy học môn đạo đức cần đi từ quyền trẻ em, từ lợi ích của trẻ em đến trách nhiệm, bổn phận của học sinh. Cách tiếp cận đó sẽ giúp cho việc dạy học đạo đức trở nên nhẹ nhàng, sinh động hơn, giúp cho học sinh lĩnh hội và thực hiện hành vi tự giác hơn, tránh được tính chất nặng nề, áp đặt trước đây.
Khác với cách giáo dục truyền thống thông qua thuyết giảng về luân lí, nêu gương người tốt, việc hay, ngày nay dạy học đứng trước sự bùng nổ của các phương tiện truyền thông, các trào lưu văn hóa ứng xử mới, vì thế dạy học môn đạo đức sẽ chỉ đạt hiệu quả khi học sinh hứng thú và tích cực, chủ động tham gia vào quá trình dạy học. Dạy học môn đạo đức phải là quá trình giáo viên tổ chức, hướng dẫn học sinh hoạt động, phát huy vốn kinh nghiệm và thói quen đạo đức, tự khám phá và chiếm lĩnh tri thức mới, khái niệm mới. Dạy học môn đạo đức phải gắn bó chặt chẽ với cuộc sống thực của học sinh. Các truyện kể, tình huống, tấm gương, tranh ảnh… sử dụng để dạy học đạo đức phải lấy chất liệu từ cuộc sống thực của học sinh. Điều đó sẽ giúp cho bài học đạo đức thêm phong phú, gần gũi, sống động đối với các em.
Trước hết, dạy học đạo đức phải bắt đầu bằng việc hình thành những khái niệm, những chuẩn mực đạo đức, mà chúng cần được đưa ra dưới các dạng chuẩn mực hành vi đạo đức cụ thể chứ không phải dưới dạng lý luận trừu tượng – nghĩa là học phải đi đôi với hành, lý thuyết phải gắn liền với thực tiễn. Những video về bài học cuộc sống, những tình huống thực tế để các em tự xử lí, đưa ra cách hiểu, cách lí giải của mình, từ đó biến quá trình giáo dục thành TỰ GIÁO DỤC, TỰ NHẬN THỨC, như vậy những chuẩn mực đạo đức mới bền vững.
Thứ hai, việc giáo dục đạo đức phải thường xuyên, liên tục, khai thác triệt để những nội dung khoa học của các bộ môn có ý nghĩa và tác dụng trong giáo dục đạo đức của học sinh qua từng cấp học kể cả khoa học tự nhiên và khoa học xã hội: Đạo đức, Giáo dục Công dân, Lịch sử, Văn học, Địa lí, Âm nhạc, Mĩ thuật… Làm thế nào mỗi thầy cô, mỗi cán bộ nhà trường là một tấm gương đạo đức cho học sinh và cao hơn mỗi học sinh là một nhân cách, một biểu hiện đạo đức cần ghi nhận, khuyến khích. Vì vậy người giáo viên cần đặc biệt chú ý đến tính cá thể, riêng biệt trong sự phát triển nhân cách của trẻ.
Thứ ba, nhà trường phổ thông cần phát huy tối đa sức mạnh tập thể, cộng đồng cùng tham gia giáo dục học sinh: phối hợp với gia đình, xã hội bằng những nội dung cụ thể, lộ trình thực hiện khả thi trong việc phối hợp với Hội Cha mẹ học sinh, mời chuyên gia tư vấn; phát huy mạnh mẽ vai trò của Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và lực lượng của đội ngũ giáo viên chủ nhiệm lớp. Đây là lực lượng tham gia giáo dục đạo đức đầy hiệu quả vì nó giúp học sinh rèn luyện, kiểm tra về đạo đức trong hoạt động thực tiễn ở trường và ngoài xã hội thông qua các hoạt động phong phú, sáng tạo của các tổ chức này và giáo viên chủ nhiệm.
Thứ tư, giáo viên cần đưa những phương tiện kỹ thuật hiện đại vào dạy học bộ môn, đa dạng hóa các phương pháp giảng dạy bộ môn: ngoài thuyết giảng cung cấp những kiến thức cơ bản cho học sinh nên tạo những hình thức hoạt động giáo dục khác như cho học sinh đi thực tế, tham gia các cuộc vận động, các phong trào được phát động ở trường, ở địa phương như văn nghệ, thể dục thể thao, các cuộc hội thi, hội thảo, các cuộc vận động nhân đạo, thực hiện nghĩa vụ công dân…
Tóm lại, nhà trường là nơi kết tinh trình độ văn minh cụ thể của một quốc gia trong giai đoạn xã hội – lịch sử nhất định, là nơi thực hiện nhiệm vụ giáo dục đào tạo con người. Sản phẩm của nhà trường, kết quả giáo dục của nhà trường thể hiện ở học sinh những nhân cách không lặp lại – những công dân tương lai của đất nước. Sản phẩm này đạt mục tiêu nhân cách ở mức độ nào là tùy thuộc vào nội dung, phương pháp tổ chức giáo dục của nhà trường và sự tiếp nhận của mỗi học sinh. Trường tiểu học có một vị trí, chức năng và nhiệm vụ đặc biệt trong sự nghiệp trồng người. Trường tiểu học là nơi đầu tiên tác động đến trẻ bằng phương pháp giáo dục có hệ thống, hay nói cách khác trường tiểu học là nơi có bản sắc riêng và có tính độc lập tương đối mang đậm tính sư phạm và không phụ thuộc vào sự giáo dục trước đó và các bậc học kế tiếp sau đó. Chính vì vậy, bậc tiểu học là bậc học nền tảng để giáo dục đạo đức cho trẻ.