Cuộc sống ngày càng phát triển, sự đủ đầy và bao bọc của gia đình đôi khi khiến học sinh dường như mất đi sự cố gắng, nỗ lực. Việc đến trường đi học với học sinh không còn là niềm vui thích, hào hứng. Ấy vậy mà hơn 30 năm trước, ở một hòn đảo xinh đẹp bị lãng quên ở Indonesia, có 10 đứa trẻ vẫn ngày ngày vật lộn đạp xe đến trường. Với chúng, được đi học là một điều thiêng liêng và tuyệt vời. Đó là chuỗi ngày đấu tranh chống lại định kiến chê cười của xã hội, chống lại những thế lực muốn lật đổ ngôi trường. Vâng, câu chuyện ấy được ghi lại rất chân thực, ý nghĩa trong cuốn sách “Chiến binh cầu vồng”
“Chiến binh cầu vồng” của tác giả Andrea Hirata là một tác phẩm có sức lay động lòng người về tình bạn bè, tình thầy trò và ý nghĩa to lớn của học tập. Cuốn sách mang hơi thở của tri thức và linh hồn của giáo dục. Nhiều câu chuyện đáng nhớ được kể lại suốt quãng đời đi học, và cái kết cay đắng khiến nhiều độc giả phải suy ngẫm.
Đọc truyện, chúng ta sẽ không cầm được nước mắt với những gia đình cu li nghèo trên hòn đảo Belitong thập niên 80. Hòn đảo xinh đẹp, giàu có nhưng người dân cực khổ trăm bề. Trường học ở đây là cái gì đó rất xa lạ với người nghèo. Họ mặc định học tập chỉ dành cho con em nhà giàu. Với những gia đình đông con, cho chúng đi làm từ sớm ở cửa hàng người Hoa, hay ở công trường khai thác thiếc để phụ giúp kinh tế còn khả thi hơn cho chúng đi học, vừa tốn kém mà chẳng lợi lộc gì.
Sự thật phũ phàng khắc họa ngay đầu truyện, ngay ngày khai giảng năm học mới, chỉ có 9 đứa trẻ đến trường, cảm giác vui sướng nhanh chóng nhường chỗ cho sự lo lắng, có đứa mặt ngân ngấn nước phụng phịu. Cái hy vọng được đi học của chúng chưa kịp thành hiện thực đã bị dập tắt, bởi theo quy định trường Muhammadiyah phải có tối thiểu 10 học sinh mới được tiếp tục hoạt động. May mắn phút cuối Harun xuất hiện, một cậu bé bị thiểu năng trí tuệ bẩm sinh. Trường Muhammadiyah thoát khỏi cảnh đóng cửa. Tuy thế, thầy và trò vẫn còn phải đương đầu với rất nhiều khó khăn. Ngôi trường cũ kĩ sập sệ có tuổi thọ 120 năm chỉ cần 1 trận gió là đổ sụp xuống bất kì lúc nào. Trong lớp chẳng có gì, một tủ trưng bày trống trơn, không có mô hình học tập, không quả địa cầu, cờ và quốc huy Indonesia. Còn tay thanh tra Samadikun thì luôn chực chờ đóng cửa ngôi trường.
10 học sinh đều là con gia đình cu li, cha mẹ chúng chỉ biết làm việc từ sáng đến khuya để nuôi sống gia đình. Ngay từ đầu chẳng ông bố bà mẹ nào hào hứng đưa con đến trường. Những đứa trẻ đen đúa đầu tóc bờm xờm, tay chân lem luốc, cổ còn thòng dây ná, chân mang dép lốp ô tô, chúng chẳng có compa, thước kẻ, máy tính. Nhưng tinh thần ham học hỏi và sự cần cù, chăm chỉ thì ngay cả những đứa trẻ nhà giàu cũng khó mà có được. Chính cuộc sống khó khăn hiện tại là động lực để chúng đến trường thường xuyên hơn. Với chúng việc học không là điều gì quá đáng sợ mà là cánh cửa mở ra thế giới kì diệu. Bọn trẻ đón nhận việc học với tất cả sự hăng say, nhiệt tình và cực kì nghiêm túc. Lintang là chiến binh đặc biệt nhất trong nhóm. Hằng ngày, cậu phải đạp xe 40 cây số, băng qua 4 khu rừng đầm lầy cá sấu trên chiếc xe đạp tả tơi. Nhưng cậu lại là đứa chăm chỉ và thông minh nhất. Khó khăn đã hun đúc bản chất kiên cường, mạnh mẽ vốn có của những “chiến binh”.
Bên cạnh đó, ta còn phải kể đến hai chiến binh nữa là thầy Harfan và cô Mus. Đó là những giáo viên nghèo khổ nhưng tận tâm. Họ đã góp một tia hy vọng tươi sáng cho thế hệ trẻ Belitong. Hai con người xem nghề giáo là nghề cao quý nhất. Thầy cống hiến hết mình cho giáo dục, chết ngay trên bàn làm việc, lặng im, không ai biết. Còn cô là thủ lĩnh tinh thần đáng tự hào của nhóm chiến binh.
Gấp lại quyển sách bạn đọc ắt sẽ xót xa cho số phận những chiến binh. Họ chiến thắng mọi khó khăn khủng khiếp ở ngoài, nhưng lại để thua chính mình. Cái kết viên mãn đã không đến với 10 đứa trẻ, những ước mơ thuở 12-13 tuổi đã không bao giờ thành hiện thực. Giáo dục đã không thể xua tan số phận nghèo khổ và kiếp sống cu li thường trực, mong mỏi của thầy Harfan và cô Mus đã không thành hiện thực. Hy vọng đổi đời của lũ trẻ hóa ra thật xa vời. Nhưng cái kết của quyển sách ít ra vẫn khiến người ta ấm lòng, ít nhất họ đã có năm tháng rực rỡ, dám hy vọng, dám ước mơ.
“Chiến binh cầu vồng” đã được chuyển thể thành phim điện ảnh, nhạc kịch và phim truyền hình. Bộ phim Chiến binh cầu vồng đạt doanh thu cao kỉ lục ở Indonesia đồng thời giành được nhiều giải thưởng trong nước cũng như quốc tế.