Trường Phổ thông Liên cấp Tây Hà Nội luôn luôn đổi mới phương pháp, hình thức dạy học sao cho những giờ dạy trở nên nhẹ nhàng, tự nhiên mà vẫn hiệu quả. Điều đó đòi hỏi các thầy giáo, cô giáo phải tìm tòi những phương pháp hay nhất, con đường ngắn nhất, hiệu quả nhất để giúp học sinh “chiếm lĩnh” tri thức. Một trong những phương pháp được các giáo viên Tây Hà Nội lựa chọn đó là “Trò chơi học tập”.
Phương pháp dạy học tích cực trò chơi học tập là phương pháp giáo viên thông qua việc tổ chức các trò chơi liên quan đến nội dung bài học để ôn tập, củng cố kiến thức và thành kiến thức mới cho học sinh. Phương pháp này được đánh giá cao với rất nhiều ưu điểm:
– Phát triển các giác quan: Trong quá trình tham gia trò chơi, học sinh phải sử dụng các giác quan để thực hiện các thao tác chơi, nhiệm vụ chơi, do đó mà các giác quan trở nên linh hoạt hơn, tư duy trừu tượng phát triển và sử dụng ngôn ngữ trở nên mạch lạc hơn.
– Tạo điều kiện để phát triển kiến thức mới: Từ việc tiếp nhận kiến thức một cách dễ dàng, thông qua trò chơi, học sinh còn có thể phát hiện ra nhiều vấn đề mới khác so với nhiệm vụ ban đầu. Bằng việc vận dụng các kĩ năng, kĩ xảo để chơi trò chơi, học sinh nhanh chóng phát triển những kiến thức nền tảng thành những kiến thức mới, thú vị hơn.
– Tăng khả năng ghi nhớ: Việc sử dụng trò chơi để thay đổi hình thức học tập làm cho không khí lớp học thoải mái và dễ chịu hơn. Từ đó, tạo cho học sinh sự tự giác, tích cực hơn trong việc tiếp nhận kiến thức. Thông qua trò chơi, học sinh biết cách nhìn nhận, phân tích, so sánh khái quát các kiến thức một cách thoải mái và thú vị hơn. Điều này giúp học sinh có ấn tượng với kiến thức một cách mạnh mẽ và ghi nhớ thông tin lâu hơn.
– Tạo tâm thế chủ động cho học sinh: Một trong những ưu điểm của phương pháp dạy tích cực trò chơi đó là luôn tạo tâm thế chủ động cho học sinh. Giáo viên chỉ là người đưa ra nhiệm vụ, hướng dẫn học sinh cách thức tham gia, còn học sinh sẽ là người tham gia, chủ động tìm tòi kiến thức và giải quyết vấn đề. Từ đó, luyện tập cho học sinh sự tự tin và sự sẵn sàng, tích cực khi đón nhận những kiến thức mới.