Học Địa lý qua dự án đã không còn xa lạ đối với các WHSers. Hình thức học này giúp học sinh khơi dậy sự say mê khám phá kiến thức, sự kết nối các môn học và rèn luyện nhiều kỹ năng như làm việc nhóm, thuyết trình, lập kế hoạch, khả năng lãnh đạo,…
Mỗi dự án sẽ kéo dài từ 1-2 tuần, có sản phẩm, có báo cáo khoa học. Tại Tây Hà Nội, các thầy cô không đưa kiến thức cho các con một cách thụ động mà thông qua sự tò mò khám phá và quá trình giải quyết các vấn đề thực tiễn, các con sẽ chủ động đúc kết và kiến tạo nên kiến thức cho riêng mình.
Trong tiết học, giáo viên phân chia học sinh thành các nhóm để thực hiện những dự án sáng tạo: học sinh có thể trở thành những MC dự báo thời tiết, lớp học biến thành một trạm nghiên cứu. Hoặc mọi người đổi vai trò với nhau: học sinh nghiên cứu và thuyết trình, giáo viên trong vai trò là người dự giờ, các bạn học sinh khác là những thính giả lắng nghe, nhận xét và đặt câu hỏi. Với phương pháp giảng dạy này, các con không phải ghi nhớ kiến thức một cách máy móc, nhàm chán mà được trực tiếp trải nghiệm thực tế qua mỗi giờ học.
Bên cạnh đó, thầy cô còn đổi mới trong cách kiểm tra đánh giá môn học. Thay vì chỉ làm bài kiểm tra trên giấy, thầy cô khuyến khích các con vẽ sơ đồ tư duy, biểu đồ, thiết kế các sản phẩm video, mô hình trực quan, lược đồ điện tử… để các con phát huy tinh thần tự học và những thế mạnh của bản thân.