Thực hành kỹ năng thoát hiểm trên ô tô

Posted on Posted in Tin tức WHS

 Khi học sinh đến trường, ngoài tiếp thu kiến thức và nuôi dưỡng tài năng, vấn đề an toàn của con luôn được đặt lên hàng đầu.

Ngay từ khi thành lập, trường Tây Hà Nội đã luôn tuân thủ các quy định và quy trình đón/trả học sinh, điểm danh,… để đảm bảo an toàn cho con trong toàn bộ thời gian ở trường. Các kỹ năng sinh tồn, thoát hiểm luôn được đưa vào các tiết học kỹ năng sống hoặc sinh hoạt tập thể ở từng lớp.

Hôm nay, toàn trường đã được hướng dẫn tập trung và thực hành kỹ năng thoát hiểm trên ô tô trên chính những chiếc xe tuyến hàng ngày đưa đón các con tới trường. Buổi thực hành có sự hướng dẫn nhiệt tình của bác Nguyễn Mạnh Thắng, một vị phụ huynh của trường có hiểu biết về ô tô và cách xử lý khi gặp sự cố.

WHSers được lưu ý rằng, khi đối diện với tình huống “mắc kẹt trên ô tô”, các con phải hết sức bình tĩnh và thực hiện những điều sau:

1. Hãy bình tĩnh 

Khi bị kẹt trên xe, đầu tiên con cần là giữ bình tĩnh, không khóc và la hét gây mất sức. Hãy chú ý quan sát xem trên xe có cửa sổ nào có nút hay tay nắm có thể mở cửa thì cố gắng mở cửa ra.

2. Trèo lên ghế lái xe và mở cửa sát cạnh ghế lái

Bởi dù khoá bên ngoài thì cửa sát cạnh ghế lái vẫn có thể mở được từ bên trong trên hầu hết các xe nên con hãy trèo lên ghế lái xe và bật lẫy (hầu hết lẫy ở tay nắm cửa ghế lái na ná như nhau), mở cửa và đẩy cửa thoát ra ngoài.

3. Bấm còi xe 

Dù xe có tắt máy, rút khoá điện thì còi xe vẫn luôn hoạt động do sử dụng nguồn điện trực tiếp từ ắc-quy, và tiếng còi sẽ thu hút sự chú ý của những người có mặt gần đó. Ắc quy trong xe có thể đủ để còi trong hơn 10 tiếng. Con nên kiên nhẫn bấm còi dài hơi cho đến khi có người nghe thấy. Đối với học sinh Tiểu học, đặc biệt là các bạn lớp 1 sức tay còn yếu, các thầy cô và bác lái xe hướng dẫn con dùng lực tập trung để ấn còi. Đối với học sinh THCS, các con được hướng dẫn cách bấm còi theo tín hiệu kêu cứu SOS: 3 hồi ngắn, 3 hồi dài, 3 hồi ngắn.

4. Đèn Hazard 

Tương tự còi, đèn Hazard được thiết kế nguồn điện riêng để nó lúc nào cũng sẵn sàng hoạt động. Nút bật đèn có hình tam giác rất dễ thấy gần vô lăng buồng lái. Con hãy bấm nút liên tục kết hợp cùng còi xe để gây sự chú ý.

5. Sử dụng búa thoát hiểm 

Hầu hết các xe chở khách đều có trang bị búa thoát hiểm (có 2 đầu nhọn, màu đỏ được gắn trên vách xe). Búa được thiết kế để có thể chỉ dùng một lực nhỏ cũng có thể đập vỡ kính mà không cần dùng quá nhiều sức. Mặt khác, khi vỡ kính ô tô cũng sẽ vỡ vụn, không có mảnh sắc nên hoàn toàn yên tâm không thể gây tổn thương đến con.

Hơn nữa, các bạn còn được dặn dò cần luôn có ý thức hỗ trợ, quan tâm và giúp đỡ nhau. Khi lên xe, các con hãy luôn để ý bạn bên cạnh và cùng rủ bạn xuống xe khi đến trường nhé.

Kỹ năng tự bảo vệ và thoát hiểm là một trong những kỹ năng sinh tồn cực kỳ quan trọng. Hi vọng rằng người lớn chúng ta bên cạnh việc chủ động đảm bảo an toàn cho học sinh, hãy luôn dặn dò và chủ động trang bị các kỹ năng để giúp các con tự tin và bình tĩnh để xử lý mọi tình huống gặp phải trong cuộc sống. Và hãy nhớ rằng “Trong những tình huống xấu nhất, việc giữ bình tĩnh là yếu tố sống còn”.

Con thực hành bấm còi, một số con sức tay còn yếu được các bác lái xe hướng dẫn dùng lực để ấn được còi.

Con thực hành bấm nút đèn Hazard.

Tìm và lấy chiếc búa thoát hiểm được gắn trên vách xe để có thể phá kính và thoát ra ngoài.

 Bước đầu tiên con cần bình tĩnh trèo lên ghế lái xe để mở cửa thoát ra ngoài.
 
 Từ ghế lái con có thể mở được cửa để thoát ra ngoài.
 Cô Đinh Thùy Dương – Phó hiệu trưởng nhà trường hướng dẫn các bạn học sinh tiểu học trước khi thực hành.
 Cô Nông Thúy Hòa – Phó hiệu trưởng nhà trường hướng dẫn các các bạn THCS trước khi thực hành.
 Buổi thực hành có sự hướng dẫn nhiệt tình của bác Nguyễn Mạnh Thắng, một vị phụ huynh của trường có hiểu biết về ô tô và cách xử lý khi gặp sự cố.
   Bác Nguyễn Mạnh Thắng hướng dẫn con các bước thoát hiểm trên xe 
 Bác lái xe chỉ dẫn cho các con các nút trên xe.
 
Các con có thể mở cửa kính ở cạnh ghế lái để lấy oxi và gọi người cứu.
Các con luôn nhớ thắt dây an toàn khi ngồi trên xe.