Phương pháp dạy và học tích cực môn Toán tại Tây Hà Nội

Posted on Posted in Tin tức WHS
   Việc dạy và học môn Toán ở mỗi cấp học đều có vai trò rất quan trọng bởi nó giúp học sinh hình thành, phát triển các tư duy toán học, tư duy logic và ứng dụng vào trong thực tiễn. Để mang lại hiệu quả dạy Toán, các thầy cô tại trường Phổ thông Liên cấp Tây Hà Nội đã và đang thay đổi các phương pháp dạy Toán theo hướng tích cực. Một số phương pháp dạy học tích cực môn Toán được các thầy cô sử dụng: phương pháp trực quan, phương pháp gợi mở – vấn đáp, phương pháp đặt và giải quyết vấn đề, phương pháp luyện tập thực hành, phương pháp giảng giải minh họa.
 
– Phương pháp trực quan: Thực hiện thông qua hoạt động quan sát của học sinh. Ví dụ, trong những bài tập về hình nón, trụ, cầu, học sinh sẽ được quan sát những hình vẽ ngoài thực tế, nhận xét đặc điểm của chúng từ đó rút ra những kiến thức về bài học.
– Phương pháp gợi mở – vấn đáp: Sử dụng hệ thống các câu hỏi ngắn gọn, rõ ràng giúp học sinh tìm hiểu rõ vấn đề. Lấy một ví dụ trong bài giải tam giác ở lớp 10, giáo viên sẽ đặt các câu hỏi cho học sinh tìm hiểu các công thức đã được học như định lí cosin, định lí sin,… qua đó phát hiện cách giải quyết bài toán.
– Phương pháp đặt và giải quyết vấn đề: Đưa ra các tình huống đề học sinh chủ động tìm cách giải quyết. Điển hình, trong các bài toán xác suất, giáo viên đặt ra những tình huống yêu cầu học sinh tìm xác suất và học sinh cần thử nghiệm để tìm được kết quả.
–  Phương pháp luyện tập, thực hành: Tổ chức các nhiệm vụ, bài tập để học sinh tự giải quyết. Có lẽ đây là phương pháp phổ biến, thường được các giáo viên sử dụng trong mỗi tiết học. Mỗi bài học, mỗi vấn đề đặt ra đều được các giáo viên cho luyện tập qua các bài tập tương tự, qua đó khắc sâu kiến thức và giúp học sinh vận dụng chúng một cách linh hoạt.
– Phương pháp giảng giải minh họa: Sử dụng lời nói để giải thích về kiến thức đã học với sự hỗ trợ của các phương tiện trực quan. Giáo viên sẽ sử dụng tối đa 5 phút để giải thích cho học sinh về những điều khúc mắc ở kiến thức, sau đó, dùng các ví dụ trực quan giúp học sinh có cái nhìn toàn diện hơn về toán học dùng trong cuộc sống, đặc biệt ở các vấn đề về hình học.
 
10
    Đây là những phương pháp giảng dạy phù hợp với khả năng, trình độ nhận thức của học sinh, dạy học “lấy người học làm trung tâm”, quan tâm đến nhu cầu của từng đối tượng học sinh. Bên cạnh những hoạt động học tập trên lớp, học sinh được tham gia những hoạt động trải nghiệm để có cơ hội vận dụng các kiến thức toán học vào thực tiễn.
 
   Thông qua những phương pháp dạy học tích cực môn Toán, các học sinh tại Tây Hà Nội sẽ có được những năng lực tư duy và lập luận toán học, mô hình hóa, giải quyết vấn đề toán học và vận dụng những phương tiện cùng công cụ của toán học.