Một hoạt động ý nghĩa đã lan tỏa thông điệp yêu thương, trách nhiệm với cộng đồng và môi trường: Học sinh tự tay làm đèn lồng từ những tấm gỗ tái chế. Hành trình tạo nên những chiếc đèn không chỉ là sự sáng tạo mà còn là tiếng lòng sẻ chia của những tâm hồn trẻ thơ cùng với mong muốn bảo vệ hành tinh xanh.
Những mảnh gỗ được tái chế từ gỗ phế liệu được học sinh thổi hồn thành chiếc đèn lồng rực rỡ sắc màu. Mỗi chiếc đèn là một câu chuyện nhỏ, với hình vẽ ngộ nghĩnh, sinh động và tràn đầy ý chí. Có những nét vẽ thể hiện ước mơ, hy vọng về một tương lai tươi sáng hơn, và cũng có những bức tranh tượng trưng cho tinh thần đoàn kết, kề vai sát cánh của dân tộc Việt Nam.
Không dừng lại ở đó, những chiếc đèn này đã được Nhà trường mang đi triển lãm để gây quỹ ủng hộ trẻ em vùng lũ lụt tại Công viên Thống Nhất. Mỗi chiếc đèn mang theo tình yêu và sự sẻ chia của các con học sinh Tây Hà Nội, hướng về những bạn nhỏ đang phải đối mặt với mất mát và khó khăn sau thiên tai: “Các bạn làng Nủ ơi, chúng tớ mong hàng nghìn trái tim của học sinh Tây Hà Nội có thể ôm ấp, xoa dịu nỗi đau của các bạn. Tớ mong các bạn có thể vượt qua nỗi đau buồn này.”
Chiếc đèn tái chế không chỉ thắp sáng bóng tối mà còn thắp lên hy vọng trong lòng những trẻ em phải gánh chịu hậu quả thiên tai; là đốm lửa ấm áp của sự sẻ chia, yêu thương. Đây không chỉ là hoạt động trải nghiệm đơn thuần mà còn là bài học về lòng nhân ái và trách nhiệm với môi trường – những giá trị quý giá mà Tây Hà Nội luôn muốn gửi gắm tới thế hệ trẻ.