Ngoài giờ lên lớp, các WHSers có rất nhiều hoạt động bổ trợ để phát triển cá nhân.
Kính mời quý vị và các bạn ghé thăm cuộc sống học đường đầy thú vị của các WHSers nhé!
Sân chơi Talent Scan vào học kỳ I hàng năm, nơi các WHSers thỏa sức thể hiện tài năng, năng khiếu và đam mê của mình trên sân khấu lớn. Mỗi năm Talent Scan thu hút hơn 60% học sinh toàn trường tham gia.
Để học sinh có thể mạnh dạn, tự tin nói Tiếng Anh trước đám đông, nhà trường luôn tổ chức các cuộc thi nói tiếng Anh theo khối, theo trường vào học kỳ II, như: Kể chuyện tiếng Anh (StoryTelling – ảnh), Vlog, My footprint, B-race, Presentation contest…
Hoạt động ngoại khóa được tổ chức hàng tháng, trong đó mỗi học kỳ sẽ có một chuyến dã ngoại cả ngày. Hoạt động này bao gồm nhiều lĩnh vực: tìm hiểu thiên nhiên; tăng cường sức bền, sự dũng cảm và đoàn kết; khám phá địa danh; trải nghiệm thực tế bài học các môn; thực hành các kỹ năng phòng vệ, sinh tồn…
Khối THCS còn có hoạt động HƯỚNG NGHIỆP đa dạng. Theo đó, học sinh được tới thăm nhiều nhà máy, công ty, hộ kinh doanh để tìm hiểu quy trình hoạt động, đầu vào và đầu ra sản phẩm, quy mô doanh nghiệp. Tới đâu, các con cũng được Ban Giám đốc doanh nghiệp tiếp đón nhiệt tình. Trong 3 năm, nhà trường đã tổ chức cho các con tới thăm: nhà máy May 10, xưởng xe đạp Thống Nhất, công ty thực phẩm CP, Vissan, hệ thống siêu thị MegaMarket, rạp chiếu phim CGV, doanh nghiệp sản xuất lụa tơ tằm, cốm làng Vòng, làng hoa Tây Tựu, công ty thời trang Canifa, nhà máy sản xuất Canon…
Tại Tây Hà Nội, học sinh được sinh hoạt trong một không gian mở gần gũi thiên nhiên và thể thao liên tục. Từ năm học 2019 – 2020, Ban Giám Hiệu nhà trường đã tổ chức các trò chơi dân gian để học sinh chơi trong giờ ra chơi. Các giáo viên đã rất nỗ lực để đưa những trò chơi truyền thống từ xa xưa trở nên gần gũi và được các con yêu thích. Trong ảnh: khối THCS chơi bịt mắt bắt dê.
Nhảy dây chun, dây thừng, song phi, ô ăn quan, cưỡi ngựa, chơi đồ… tất cả dường như rất lạ lẫm với các con nhưng khi đã biết luật chơi và luyện tập hàng ngày, sân trường WHS trở thành sân trường của các bố mẹ khi còn là học sinh đấy!
Vườn rau của WHS không quá lớn nhưng nó cũng đủ để mỗi tuần, cả trường có được một bữa rau do chính học sinh trồng. Thỉnh thoảng, các con còn tự thu hoạch và mang về nhà những mớ rau của mình.
LIÊN MÔN là một hoạt động giảng dạy được Hội đồng Sư phạm đánh giá cao và được học sinh say mê yêu thích. Đi kèm là hoạt động TRẢI NGHIỆM SÁNG TẠO được các giáo viên WHS áp dụng rất thành công. Trong ảnh là một tiết liên môn Sinh học – Kỹ thuật – Mỹ thuật của lớp 6.
ĐỌC SÁCH: Ngay từ khi thành lập, WHS đã rất chú trọng tới việc phát triển kỹ năng đọc sách cho học sinh. Về Tiếng Anh, nhà trường luôn có tiết Reading, đọc sách qua các phần mềm được đầu tư bài bản như Renaissance, Raz-kid. Về Tiếng Việt, thời khóa biểu luôn có 1 tiết Thư viện mỗi tuần. Đặc biệt nhà trường còn thiết kế riêng chương trình giảng dạy môn Đọc sách với giáo viên chuyên biệt. Ở cuối mỗi lớp đều có một góc giá sách nhỏ xinh để phục vụ các con, dù trường đã có 2 thư viện lớn cho học sinh có thể đọc và mượn sách mang về.
KỸ NĂNG SỐNG là thế mạnh của WHS khi các học sinh luôn có tiết học này trong giờ chính khóa. Chương trình KNS được xây dựng bài bản, xuyên suốt 9 năm học, từ các kỹ năng tự chăm sóc bản thân, phòng vệ cho đến các kỹ năng xã hội, kỹ năng tự học và trưởng thành… Trong ảnh: học sinh đang thực hành Kỹ năng thoát hiểm trên xe ô tô.
Giao lưu với các trường bạn cũng là một hoạt động mà học sinh thường xuyên được trải nghiệm, có thể là giao lưu thể thao, giao lưu Tiếng Anh, giao lưu văn hóa…
Sự ra đời của Ban Chấp hành Hội học sinh trong năm hoạt động thứ ba của WHS đã mang lại nhiều động lực cho các teen tỏa sáng. Điển hình là hai câu lạc bộ Phát thanh và Âm nhạc. Bản tin WHS được CLB Phát thanh của Hội Học sinh biên tập và phát trực tiếp hàng ngày vào giờ ra chơi đã trở nên gần gũi với các WHSers.
Học sinh được trải nghiệm những nét văn hóa phương Tây đặc sắc như Halloween, Giáng Sinh, Lễ Phục Sinh Easter, Ngày Sách Thế giới World Book day, Tuần lễ Vũ trụ thế giới World Space Week.
Tại lễ hội Giáng Sinh 3 năm nay, WHS áp dụng phương châm: không một học sinh nào bị bỏ lại phía sau, ai cũng là một ngôi sao. Toàn bộ các lớp biểu diễn trên sân khấu lộng lẫy để tự các con hóa thân thành những “ngôi sao” không thua kém bất cứ ai.
Bên cạnh việc truyền bá văn hóa quốc tế, truyền thống dân gian cũng được các thầy cô WHS khơi gợi và lưu truyền cho các lớp học sinh. Các lễ hội xuân, trung thu, Tết hàn thực… luôn được tổ chức quy củ và cẩn thận, với sự tham gia đồng lòng của các bậc phụ huynh.
Tái chế, bảo vệ môi trường là một vấn đề được WHS đề cao trong công tác giáo dục và thể hiện không chỉ ở các bài giảng trên lớp. Trong ảnh: cô trò trang trí hành lang dịp Trung Thu 2019 bằng các lồng đèn tái chế từ các vật dụng cũ.
Tại WHS có tới 30 học sinh người Hàn Quốc nên các bạn đã tạo ra một cộng đồng riêng khá ấn tượng nhưng rất đoàn kết với học sinh người Việt. Nhà trường cũng luôn chú trọng tới việc hòa nhập học sinh thông qua các hoạt động tìm hiểu văn hóa và vui chơi.
Bóng đá là môn thể thao vua và có sức nóng đặc biệt. WHS cũng không nằm ngoài vòng xoáy đó. Các hoạt động giao hữu bóng đá thường xuyên được tổ chức: Giải bóng đá Tứ hùng của 4 trường Tiểu học và 4 trường THCS trong quận, Giải Westball mở rộng với 7 khách mời, đặc biệt có cả Giải giao hữu dành cho PHỤ HUYNH hai trường WHS và Brendon.
Dự án từ thiện “Nơi mây ngàn tủ sách nở hoa” được khởi nguồn từ học kỳ I năm học 2019 – 2020, theo đó WHS mang hàng triệu cuốn sách và hàng trăm giá sách tới các trường miền núi của học sinh người dân tộc. Dự án đã thu hút được các tấm lòng hảo tâm từ các bậc phụ huynh. Dự án sẽ kéo dài nhiều năm.
Khơi gợi lòng yêu thương, trắc ẩn “lá lành đùm lá rách” trong mỗi học sinh là mong muốn của WHS. Nhà trường đã tổ chức nhiều hoạt động thiện nguyện để học sinh khối THCS có thể tham gia lao động cống hiến như trồng vườn bưởi cho Trung tâm chăm sóc trẻ tàn tật Thụy An, lắp giá sách tại điểm trường Hua Tạt cho trẻ em người Mông ở Sơn La…
Tháng 12 luôn là tháng “Chia sẻ – yêu thương”. Ngoài trẻ em mồ côi, tàn tật, các cụ già không nơi nương tựa ở các viện dưỡng lão và trung tâm chăm sóc người già neo đơn cũng là những đối tượng được các WHSers quan tâm và san sẻ.
Sau giờ học, các CLB Ngoại khóa của nhà trường luôn tràn ngập bóng dáng và tiếng cười của học sinh. Ở nơi đó, học sinh được thỏa sức lựa chọn các bộ môn mình yêu thích để theo đuổi đam mê. CLB Ngoại khóa rất đa dạng: các môn thể thao, lắp ghép robot, ngôn ngữ và EQ, học đàn với nhiều nhạc cụ, tập làm MC, tư duy logic, kỹ năng sống, lập trình…
Bạn đã nghe đến NGÀY NỘI TRÚ? Đã có rất nhiều trường nội trú nhưng WHS có lẽ là trường duy nhất có chương trình Ngày Nội trú. Học sinh sẽ đăng ký ở lại qua đêm tại trường chỉ 2 ngày mỗi tuần vào thứ Hai và thứ Năm. Tại lớp học Nội trú bắt đầu từ 4h chiều khi kết thúc giờ học chính khóa, học sinh sẽ di chuyển lên Phòng Sinh hoạt nội trú riêng biệt được thiết kế như một gia đình hiện đại và tiện nghi. Các bạn sẽ tập thể thao, nấu bếp, tắm rửa, ăn tối, học kỹ năng và làm bài tập về nhà cho ngày hôm sau. Tất cả đều có sự giám sát của giáo viên quản nhiệm. Sau giấc ngủ đêm ấm áp, các bạn sẽ tỉnh giấc vào 6h30 và xuống sân tập thể dục, dọn đồ đạc và đi tới lớp học của mình vào 7h30. Thật thú vị phải không nào?
Trong ảnh là hoạt động Ngày Nội Trú xuân Canh Tý, thu hút hàng trăm học sinh của WHS và các trường khác tới tham gia vì hoạt động gói bánh chưng, giã bánh giày, thức cùng bếp lửa vô cùng hấp dẫn.
OPEN DAY – Ngày hội tuyển sinh luôn được tổ chức vào tháng Ba và tháng Tư hàng năm. Đây là dịp để học sinh các nơi có thể đến để trải nghiệm phương pháp giáo dục và các môn học hấp dẫn của WHS; cũng là dịp để Phụ huynh được hưởng những ưu đãi lớn nhất trong năm cho kỳ tuyển sinh đầu vào của nhà trường.
Tại buổi Open Day 2019, học sinh khối THCS đang trải nghiệm môn STEM với công nghệ thực tế ảo AI, và chương trình điều khiển robot tự hành trên bề mặt sao Hỏa.
Teen của cả Hà Nội dồn về ngôi trường Tây Hà Nội bởi thần tượng của giới trẻ, ca sĩ OSAD tới đây biểu diễn.
Học sinh lớp 5 của trường khác đến tìm hiểu lớp 6 của Tây Hà Nội thì say mê với bộ môn Vật Lý bởi được tự mình tháo lắp một chiếc xe đạp. Tại Tây Hà Nội, môn học nào cũng mang lại cho học sinh những cơ hội trải nghiệm thực tế như vậy, học đi đôi với hành một cách thực chất.
LỄ TỐT NGHIỆP. Năm học thứ hai của nhà trường, 2018 – 2019, lần đầu tiên WHS chia tay một lứa học sinh. Đó là học sinh lớp 5, lớp cuối của cấp Tiểu học. Phần lớn các bạn lên tiếp lớp 6 WHS, nhưng cũng có bạn chuyển trường. Buổi chia tay thật xúc động vì WHS đã cho các bạn nhỏ có cơ hội cảm ơn bố mẹ. Không chỉ là lời nói, các con đã rửa chân cho bố mẹ, hành động nhỏ thôi nhưng đã khiến các bậc làm cha làm mẹ cảm động, nghẹn ngào. Hiếu nghĩa là đức tính mà nhà trường mong muốn gieo vào tâm hồn và tạo nhân cách cho các con từ thủa ấu thơ.
Với học sinh ngoài Tây Hà Nội thì sao? Nhà trường có rất nhiều chương trình dành cho các bạn. Sau Tết, học sinh lớp mẫu giáo lớn ở các nơi có thể tham gia lớp Hành Trang Vào lớp Một – Pre-School tại WHS vào thứ Bảy hàng tuần. Khóa học này không dạy trước chương trình lớp Một, chỉ là một khoảng thời gian đệm cần thiết cho các bạn nhỏ làm quen với môi trường Tiểu học để tránh bỡ ngỡ và những khủng hoảng tuổi lên sáu thường thấy ở trẻ.
Trại hè tại WHS vào tháng 6 và tháng 7 luôn thu hút hơn 500 lượt học sinh mỗi năm. Ba mùa hè trôi qua thật ấn tượng với các học sinh ngoài trường Tây Hà Nội. Mỗi mùa hè là một chủ điểm khác lạ và hấp dẫn, như: tìm hiểu các nước qua trại hè “Vòng quanh thế giới”; “Trại hè việc làm” với các nghề quen thuộc trong xã hội để các con trải nghiệm một chút những gì bố mẹ đang lao động và kiếm sống, với mong muốn các con hiểu và thương bố mẹ hơn; trại hè Tiếng Anh nơi các con được Học tiếng Anh – Ăn tiếng Anh – Chơi tiếng Anh; trại hè “Nghề lạ – tại sao bố mẹ chưa thử?” lại cho các con cơ hội được khoe với bố mẹ về những nghề “hot” trong xã hội như MC, Nhà Khảo cổ, Trainer, Nghệ nhân tạo hình in và dệt may, Bartender… Ngoài ra, các trại sinh còn được kiếm tiền và tiêu tiền bằng đồng tiền riêng của trường, đồng WESTO, để các con học cách quản lý chi tiêu từ nhỏ.
Khác với Ngày Nội trú trong năm học chủ yếu dành cho học sinh WHS và chỉ ngủ tại trường 1 đêm, khóa Nội trú Hè kéo dài cả tháng và học sinh sẽ sinh hoạt tại trường với chương trình rèn luyện bản thân. Chương trình thu hút rất đông các học sinh ngoài trường, thậm chí có nhiều bạn ở các tỉnh lân cận cũng tham gia khóa Nội trú Hè.
Hè cũng là thời gian thích hợp để các “phượt thủ” nhí tham gia trại hè tại các nước Singapore, Malaysia. Trại hè Mal – Sing 2018, 2019 được chính trường WHS thiết kế và tổ chức, không thông qua bất cứ công ty du học hay đại lý du lịch nào nên chương trình đậm chất Tây Hà Nội. Đó là: không đề cao việc học tiếng Anh, chỉ tập trung vào phát triển kỹ năng sinh tồn cho các trại sinh, điểm mà các học sinh Việt Nam thường yếu hơn các bạn đồng trang lứa ở các nước phát triển. Giáo sinh là người bản địa và ngôn ngữ sử dụng trong trại hè hoàn toàn bằng tiếng Anh.
Với Phụ huynh, bên cạnh nhiều hoạt động tại lớp của các con mà trường Tây Hà Nội khích lệ Phụ huynh tham gia để thắt chặt sợi dây tình cảm bố mẹ – con cái và mối quan hệ đồng cảm, thấu hiểu giữa gia đình – nhà trường, chuỗi CAFE SÁNG có lẽ là một hoạt động được các Phụ huynh mong chờ nhất. Cafe sáng với các chuyên gia giáo dục – tâm lý được tổ chức trung bình 2 tháng/ lần trong suốt ba năm qua là giá trị gia tăng mà nhà trường mong muốn được mang tới cho Phụ huynh trong hành trình làm cha mẹ.
Các khách mời của Cafe Sáng tại WHS là những người khá thành danh như: ca sĩ diva Mỹ Linh, người nổi tiếng có một gia đình hạnh phúc và những đứa con thành công; bố mẹ của thần đồng Đỗ Nhật Nam; tiến sỹ Lê Nguyên Phương, tác giả cuốn “Dạy con trong hoang mang” gối đầu giường của nhiều bậc phụ huynh; nhà báo Hà Việt Anh, được biết đến với vai trò mới là giảng viên của khóa đào tạo Hạnh phúc; tiến sỹ Giáp Văn Dương, người đi đầu trong lĩnh vực giáo dục khai phóng…